Sau khi nghỉ việc, thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị sử dụng không?

( PHUNUTODAY ) - Người lao động sau khi nghỉ việc cần chú ý đến thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi khi khám, chữa bệnh.

Sau khi nghỉ việc, thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị không?

Khoản 2 Điều 50 Quyết định 595/BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,… theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động sẽ lập hồ sơ báo giảm BHXH và gửi tới cơ quan BHXH. Trường hợp chậm báo giảm, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải đóng tiền BHXH của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết tháng đó.

Nếu chậm báo giảm, doanh nghiệp sẽ phải đóng tiền BHYT cho những tháng báo chậm và thẻ BHYT sẽ có giá trị đến hết tháng mà người sử dụng lao động báo giảm người tham gia BHYT.

Như vậy, sau khi nghỉ việc, thẻ BHYT của người lao động sẽ hết giá trị sử dụng tại tháng mà đơn vị sử dụng lao động báo giảm BHXH.

nghi-viec-the-bhyt-co-gia-tri-khong-01

Sau khi nghỉ việc, tham gia bảo hiểm y tế như thế nào để được tính 5 năm liên tục?

Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định khoảng thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục như sau:

"Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng".

Như vậy, nếu thời gian gián đoạn tham gia BHYT dưới 3 tháng thì vẫn được tính là tham gia BHYT 5 năm liên tục và được hưởng các quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT do cơ quan BHYT đóng hoặc do ngân hàng nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng, người lao động sau khi nghỉ việc (và chưa đi làm ở đơn vị khác) có thể tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.

Với hình thức BHYT hộ gia đình, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia BHYT. Cá nhân không được tham gia đơn lẻ.

Như vậy, người lao động đã nghỉ việc muốn mua BHYT hộ gia đình thì các thành viên còn lại trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú mà chưa có thẻ BHYT cũng phải cùng mua BHYT.

Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2022

Mức đóng BHYT hộ gia đình được tính dựa trên mức lương cơ sở (1.490.000 đồng/tháng). Cụ thể, người thứ nhất đóng mức BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, người thứ nhất tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng 67.050 đồng/tháng; người thứ 2 đóng 46.935 đồng/tháng; người thứ 3 đóng 40.230 đồng/tháng; người thứ 4 đóng 33.525 đồng/tháng; từ người thứ 5 trở đi đóng 26.820 đồng/tháng.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link