Quả sấu không chỉ tăng hương vị chua mà còn tạo cảm giác ngon miệng hơn trong những ngày hè. Quả sấu xanh có vị chát và chua, còn khi chín lại có vị ngọt và mát, chứa đến 86% nước, cùng với canxi, sắt, và vitamin C, giúp giải nhiệt hiệu quả.
Mùa sấu thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, và từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 là thời điểm lý tưởng nhất để thu hoạch, bảo quản và sử dụng. Nếu muốn thưởng thức sấu quanh năm, bạn cần lưu trữ trong tủ lạnh.
Để sấu không bị chát khi nấu, bạn nên cạo sạch vỏ trước khi cho vào ngăn đá. Tránh để sấu trong ngăn đá rồi mới cạo vỏ vì điều này sẽ làm sấu nhũn, khó làm và mất vệ sinh. Nếu không muốn tự cạo vỏ, bạn có thể nhờ đến dịch vụ chuyên cạo vỏ sấu. Trong trường hợp không cạo vỏ, hãy rửa sạch quả trước khi chế biến.
Chọn sấu tươi mới hái, có cuống nguyên nhựa, màu xanh tươi, cùi dày, và vỏ hơi sần. Tránh những quả thâm, dập nát hoặc quá non. Quả sấu non có vỏ xanh nhạt, hạt mềm trong khi quả quá già có hạt to và thịt mỏng. Để bảo quản lâu dài, bạn có thể cho chanh và sấu vào tủ lạnh, chanh để cả quả, sấu chia thành từng túi.
Quả sấu rất chua nên không thích hợp cho những người mắc bệnh tiêu hóa, dạ dày, hoặc đại tràng. Tránh ăn sấu khi đói vì có thể gây cảm giác cồn cào, khó chịu. Trẻ dưới một tuổi cũng nên hạn chế sử dụng sấu.
Món ngon từ sấu
Vịt om sấu
Trong ẩm thực miền Bắc, vịt om sấu là món ăn được nhiều người ưa thích. Thịt vịt có tính mát, kết hợp với sấu xanh và khoai sọ hoặc khoai môn, tạo nên một món ăn thơm ngon, béo ngậy và hấp dẫn. Để chế biến, làm sạch vịt, xát muối và gừng để khử mùi, sau đó chặt thành miếng vừa ăn và ướp gia vị trong khoảng 1 giờ để ngấm.
Sau khi ướp, đảo sơ vịt cho săn lại rồi thêm nước và sấu. Om vịt trên lửa liu riu, sau 15 phút thêm khoai vào om cho mềm và thấm vị. Cuối cùng, thêm chút nước cốt dừa để tạo vị thơm ngon, béo ngậy và chua dịu.
Sấu ngâm đường
Nước sấu ngâm đường khi thêm đá có vị chua ngọt dịu, mát lành, là thức uống giải khát tuyệt vời trong ngày hè. Khi chọn sấu để ngâm đường, nên chọn sấu bánh tẻ, màu xanh nhạt, cùi dày, vỏ rám sần và cuống tươi.
Để sấu ngâm đường không bị lên men và nổi váng, tiệt trùng tất cả mọi thứ (chần sấu nhanh, tráng lọ/hũ bằng nước sôi để khô ráo, nước đường nấu rồi để nguội). Mỗi lần pha, dùng muôi sạch lấy nước và sấu ra.
Sườn nấu sấu
Canh sườn nấu sấu là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của gia đình miền Bắc. Sườn ninh mềm, róc xương, thấm vị, nước canh chua dịu từ sấu, kết hợp với mùi thơm từ hành lá và mùi tàu, khiến ai đã thưởng thức đều không thể quên được hương vị.
Chân giò nấu sấu
Chân giò sau khi cạo sạch lông, xát muối để khử mùi, rửa sạch với nước, chặt thành miếng vừa ăn và chần qua nước sôi để loại bỏ bọt bẩn. Thắng nước đường đến khi ngả màu nâu, sau đó cho sấu, tỏi, hành tím, ớt đã sơ chế cùng nước lọc vào đun lửa lớn.
Thêm gia vị gồm dầu hào, nước mắm, hạt tiêu, và nước canh đường vào hỗn hợp và đảo nhẹ để gia vị tan đều. Khi hỗn hợp sôi, cho phần chân giò đã sơ chế vào, đun đến khi nước sệt lại thì tắt bếp.