SCIC bị "dọa" giải thể nhưng được tăng vốn gấp 8

15:33, Thứ hai 16/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo điều lệ hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo điều lệ hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Theo đó, với mục tiêu là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước thông qua việc làm chủ sở hữu và đại diện vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, SCIC sẽ có hoạt động trong các lĩnh vực chính như: đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước thông qua tiếp nhận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế.

Tổng công ty cũng sẽ đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối; Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật...và các nhiệm vụ khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC có vốn điều lệ là 40.000 tỷ đồng, do nhà nước cấp để thành lập, kinh doanh và sẽ được bổ sung trong quá trình hoạt động.

Chính phủ yêu cầu Tổng công ty ty có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý theo quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điều lệ này.

SCIC mang tiền gửi ngân hàng không sợ thua lỗ


Đáng chú ý, dự thảo quy định, SCIC sẽ bị giải thể trong trường hợp kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn; hoặc không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết.

SCIC cũng có thể bị giải thể nếu việc tiếp tục duy trì Tổng công ty là không cần thiết. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định giải thể Tổng công ty theo quy định của pháp luật.

Nói đến việc giải thể siêu công ty này, dư luận cảm thấy bức xúc khi doanh nghiệp này từng dậy sóng nền kinh tế khi mang hàng chục nghìn tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi làm doanh thu hàng năm của công ty. Từ thời buổi ban đầu thành lập, công ty được cấp 5.000 tỷ đồng và đến nay sau nhiều năm kinh doanh bằng cách siêu kinh điển mang tiền đi gửi ngân hàng, công ty đã được nâng vốn điều lệ lên đến 40.000 tỷ đồng.

Năm 2012, lãi suất ngân hàng giảm về mức chỉ còn 8%/năm nên doanh nghiệp này còn đạt lãi suất từ nguồn cho vay ngân hàng là 1.568 tỷ đồng. Nếu cứ đà cho vay ngân hàng thì dù lãi suất có giảm về mức 5% như mức trần một vài ngân hàng đưa ra năm này thì SCIC vẫn không sợ thua lỗ.

Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến phản đối, lên án cách làm này của SCIC thì ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính lại cho rằng, SCIC làm đúng luật, thậm chí trong tình hình thị trường không thuận lợi thì đây là cách làm tỉnh táo để bảo toàn vốn của Nhà nước. Theo như ông Tiến thì cách làm sáng suốt của SCIC cần được nhân rộng và việc tăng vốn cho doanh nghiệp này đi gửi tiết kiệm cũng là một cách hay để đảm bảo nguồn vốn nhà nước sinh lời.
 
Nhận định về việc này, TS. Nguyễn Minh Phong, nhiệm vụ của SCIC là kinh doanh nên bản chất của nó vẫn phải là lợi nhuận. Đó chính là khiếm khuyết trong luật của SCIC.
 
"Kinh doanh thì phải bảo toàn vốn cộng với có lãi. Mà nếu không có lãi thì làm sao bảo toàn vốn được, anh phải tự nuôi bộ máy của mình chứ " - TS. Phong bình luận.

Như vậy, cứ mang tiền đi gửi ngân hàng thì câu chuyện 'dọa' giải thể SCIC chỉ là 'nói vui' vì chẳng bao giờ doanh nghiệp này thua lỗ, trừ khi tiền gửi ngân hàng trở thành món nợ xấu của doanh nghiệp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: