Sinh mổ nên mang theo lon nước ngọt có ga
Lý do chính khiến nhiều người khuyên sản phụ sau khi sinh nên chuẩn bị sẵn nước ngọt có ga là vì chúng sẽ giúp mẹ xì hơi nhanh chóng. Để đảm bảo mẹ không bị dính ruột, các bác sĩ luôn dặn dò kỹ càng chị em phải cố gắng xì hơi sau khi sinh mổ, sau đó mới được ăn uống như bình thường.
Dính ruột là một biến chứng vô cùng nguy hiểm mà sản phụ có nguy cơ mắc phải sau khi áp dụng phương pháp đẻ mổ. Các phần ruột, tạng sẽ bị dính vào nhau, hiện tượng này có thể xảy ra ở trong ruột hoặc trong tử cung của người mẹ. Khi bị dính ruột, sản phụ sẽ rất dễ bị tắc nghẽn mạch máu, tắc nghẽn các đường thông chuyển thức ăn đến hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, mẹ còn có thể phải đối diện với tình trạng đầy hơi, trướng bụng, rối loạn kinh nguyệt, bí tiểu, táo bón, hoại tử ruột, vô sinh,… Nếu nặng hơn, dính ruột sẽ sinh ra nhiều biến chứng gây hoại tử các bộ phận khác, xoắn ruột, tắc nghẽn các hệ thống vận chuyển máu gây đau đớn nghiêm trọng. Trong trường hợp xấu, người mẹ có thể sẽ phải leo lên bàn mổ lần thứ 2.
Trước khi xì hơi, sản phụ chỉ được phép ăn cháo loãng và không được bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ như bình thường, nếu việc này kéo dài có thể khiến sữa không về kịp cho con bú. Vì thế, việc xì hơi để đảm bảo mẹ không bị dính ruột giống như một thử thách khó nhằn mà mẹ bắt buộc phải vượt qua.
Nếu mẹ gặp khó khăn trong chuyện xì hơi thì hãy thử nhờ cậy đến nước có ga. Sở dĩ nước ngọt có thể giúp mẹ xì hơi nhanh chóng là do lượng khí ga tồn tại trong chúng. Các cacbonat để tạo ga trong nước có tác dụng chuyển hóa thành cacbon dioxit đồng thời thúc đẩy quá trình đẩy các luồng khí dư ra ngoài đại tràng. Vì thế, việc uống nước ngọt có ga không chỉ giúp mẹ xì hơi nhanh hơn mà còn đảm bảo ruột được ổn định.
Ngoài cách uống nước ngọt có ga, còn một số mẹo khác có thể giúp sản phụ xì hơi nhanh hơn chị em có thể xem xét và áp dụng như:
– Nhai kẹo cao su: Chuẩn bị 3 thanh kẹo cao su, mỗi thanh nhai trong vòng 15 phút và cách nhau 1 tiếng, chờ một lúc mẹ sẽ xì hơi được ngay.
– Massage bụng và chân: Mặc dù việc massage bụng có thể kích thích nhu động ruột giúp mẹ xì hơi dễ dàng hơn nhưng mẹo này có thể ảnh hưởng đến vết mổ. Vì thế, mẹ nên chú ý cẩn thận để massage nhẹ nhàng, tránh vết khâu có thể gây đau đớn. Thay vào đó, mẹ có thể massage 2 bàn chân đều đặn, việc này cũng có thể giúp kích thích việc xì hơi xảy ra nhanh chóng hơn.
Những nguy cơ từ sinh mổ
Ngày nay, không ít người mẹ chọn phương pháp sinh mổ để quyết định “ngày đẹp, giờ vàng” cho bé ra đời hoặc vì lý do sợ đau, sợ bị giãn âm đạo khi sinh thường. Tuy nhiên, người mẹ phải hết sức thận trọng khi quyết định cách sinh này. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, sinh mổ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu cho lần mang thai sau.
Sinh mổ sẽ tránh cho người mẹ những cơn đau khi chuyển dạ, tuy nhiên, những thủ thuật sau đó lại khiến người mẹ bị đau hơn nhiều.
Những nguy cơ khi sinh mổ như, tai biến khi gây tê, vết mổ bị rách, chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, nhiễm trùng, băng huyết… đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người mẹ. Đặc biệt, nhiễm trùng mổ có khả năng gây hoại tử cổ tử cung. Nguy hiểm hơn, sinh mổ còn khiến người mẹ có thể bị tắc ruột, tắc ống dẫn trứng, gây vô sinh thứ phát…
Ngoài ra, sinh mổ cũng buộc người mẹ phải dùng kháng sinh trong khoảng thời gian cho bé bú sau đó. Điều này sẽ khiến chất lượng sữa của giảm sút, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bé.
Những bé sinh mổ có nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch và hô hấp lớn hơn nhóm bé được sinh thường.