Báo cáo giải trình trước Quốc hội sáng 12.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua.
"Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc xin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", Thủ tướng nói.
Đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Tuy nhiên, để đảm bảo tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học, tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, khi không may trong trường có ca bệnh F0 là học sinh hoặc giáo viên, trước mắt cần phong tỏa trường học, sau đó sàng lọc. Nếu có phong tỏa cũng chỉ cần phong tỏa lớp học, tầng hoặc tòa nhà, sau đó phun khử khuẩn và đưa F0, F1 đi cách ly. "Sau 24 tiếng vẫn học trở lại bình thường. Chúng ta đã thích ứng với dịch, do đó đừng quá hoang mang khi có F0 trong trường học"
Hiện tại, một số trường ĐH tại TP.HCM đã xây dựng lộ trình cụ thể đón sinh viên tới trường học trực tiếp. Cùng với việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin cho sinh viên, các trường có nhiều phương án tổ chức lớp học và xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tiếp.