Hành khách đi tàu điện ngầm lo lắng đón nhận thông tin liên quan đến trận động đất. |
TTXVN dẫn tin từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, trận động đất mạnh 7,1 độ richter xảy ra vào lúc 2h10 ngày 26/10 theo giờ Nhật Bản (tức 16h10 GMT). Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS) cũng cho biết động đất xảy ra ở độ sâu 10 km, xảy ra vào cách khu vực Ishinomaki của tỉnh Miyagi 320 km về phía Đông Nam. Theo thông báo đầu tiên của USGS, trận động đất này mạnh 7,5 độ richter.
Ngay sau trận động đất, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ban bố cảnh báo sóng thần cao đến 1 mét sẽ đánh vào bờ biển Đông Bắc Nhật Bản đồng thời cảnh báo người dân tránh xa các khu vực bờ biển. Tuy nhiên, JMA đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần sau đó 2 giờ.
Trong khi đó, Đài truyền hình NHK đưa tin một trận sóng thần đã đánh vào bờ biển Nhật Bản tiếp sau trận động đất cường độ mạnh trên. Tin của đài này cho hay các cột sóng cao 30 cm đã được quan sát thấy tại tỉnh Miyagi, đồng thời nhà chức trách cũng mở rộng cảnh báo sóng thần đối với tỉnh Ofunato.
Khuyến cáo sơ tán cũng đã được đưa ra đối với các khu vực thuộc các tỉnh Iwate, Miyagi, Ofunato và Fukushima. Hiện chưa có thông tin gì về thương vong tại các khu vực này.
Sau khi xảy ra trận động đất, nhà chức trách Nhật Bản đã ra lệnh sơ tán các công nhân đang làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Tuy nhiên, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, thông báo hiện chưa phát hiện điều bất thường nào mới tại cơ sở này sau trận động đất trên. Công ty Điện lực Tohoku cũng cho biết không có dấu hiệu bất thường nào tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa.
Trước đó, ngày 11/3/2011 đã trở thành ngày không thể nào quên đối với người dân Nhật Bản khi trận động đất 9 độ richter đã tạo ra những cơn sóng thần kinh hoàng với độ cao đạt đến hàng chục m kéo theo thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản xác nhận có 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Các phần tử cesium và nhiều thành phần phóng xạ khác ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phát tán vào không khí, nước trong một vùng rộng lớn xung quanh nhà máy. Các chất phóng xạ bị nhiễm vào trong cây trồng hoặc được động vật hấp thụ.
Sau khi sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, các vụ nổ đã liên tiếp xảy ra. Tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng. Vỏ bọc bị phá hủy, sau đó lò phản ứng bị nóng chảy. Và nước nhiễm phóng xạ cường độ cao bắt đầu chảy vào đại dương.
Thiệt hại sóng thần cho đất nước được ước tính khoảng 200 tỷ USD, và nếu tính cả thiệt hại do tai nạn nhà điện hạt nhân gây ra thì con số này lên đến 500 tỷ.
Một con số cho thấy mức độ thiệt hại với nền kinh tế Nhật Bản: Số công ty bị phá sản lên đến gần 650 công ty, kể từ sau thảm họa 11/3.
Công ty nghiên cứu tín dụng tư nhân Teihoku Databank cho biết, tính trong tròn một năm qua, có 645 công ty bị phá sản ( đây là chỉ tính những công ty có số nợ ít nhất là từ 10 triệu yên trở lên, tức là khoảng 120.000 USD). Con số này cao gấp 3,3 lần, so với số công ty bị phá sản trong 1 năm, sau trận đại động đất Hanshin năm 1995.