Sư Phượng: “Cả làng này sẽ phải thờ sống tôi”

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Nhiều người dân xã Chàng Sơn nhớ lại, trước đây trong một buổi lễ, chính sư Phượng đã từng nói: “Chỉ trong năm sau thôi, cả làng này sẽ phải thờ sống tôi”.

Vụ việc "đổi tượng"

Pho tượng cổ mà sư Thích Minh Phượng ném xuống sông có tên là “Vua Cha Ngọc Hoàng”. Khi chính quyền và nhân dân xã Chàng Sơn không nhìn thấy pho tượng này trên Tòa Tam bảo (nhà tổ) thì sư Phượng giải thích là “Vì tượng bị xước xát và vỡ nên đã đưa tượng xuống sông tắm”.

Để thay thế cho bức tượng “Vua Cha Ngọc Hoàng”, sư Phượng đã đem về một bức tượng đồng (có trọng lượng khoảng 350kg, cao khoảng 1,2m), với khuôn mặt giống mình. Sư Phượng cũng thanh minh với người dân: “Đây là tượng vua Trần Thánh Tông, bà con hãy thờ, phúng thay cho pho tượng Vua Cha Ngọc Hoàng”.

Người dân Chàng Sơn khẳng định pho tượng này giống bức ảnh của sư Phượng treo trong phòng khách.

Sư Phượng cũng cho biết, đây là pho tượng do bà Chu Thị Nụ, một phật từ trong làng cúng tiến để thờ. Tuy nhiên, người dân xã Chàng Sơn khẳng định pho tượng này giống y nguyên bức ảnh của sư Phượng trong phòng tiếp khách của chùa.

Người dân không đồng tình với việc làm của sư Phượng, càng bức xúc trước việc mất pho tượng cổ hàng trăm năm của chùa. Khoảng 10h30 ngày 5/11/2013, đông đảo người dân của 7 thôn trong xã Chàng Sơn và nhiều người ở các xã, vùng lân cận đã kéo đến chùa Chân Long. Yêu cầu sư Phượng hạ pho tượng đồng mới xuống khỏi ban thờ và đề nghị trả lại nguyên vẹn pho tượng cổ “Vua Cha Ngọc Hoàng”. Trước đấy, UBND xã Chàng Sơn đã yêu cầu sư Phượng di chuyển pho tượng đồng mới này ra khỏi chùa nhưng sư Phượng vẫn mặc nhiên không để ý.

Đến 12h trưa, pho tượng có khuôn mặt giống sư Phượng đã được hạ xuống khỏi vị trí ban thờ. Sư Phượng cùng Ban Hộ tự đã dùng một tấm bạt cuộn che pho tượng lại hòng che mắt người dân khi đưa ra khỏi chùa. Nhưng đến ngã ba xóm chợ thì sư Phượng bỏ mặc rồi đi vào chùa, việc này đã gây ách tắc giao thông tại xã nhiều tiếng đồng hồ.

Pho tượng đã bị các thanh niên trong thôn kéo bạt và nhìn thấy rõ khuôn mặt tượng giống sư Thích Minh Phượng. Lúc này, nhiều người dân xã  Chàng Sơn mới nhớ lại, trước đó trong một buổi lễ, chính sư Phượng đã từng nói: “Chỉ trong năm sau thôi, cả làng này sẽ phải thờ sống tôi”.

Đã có lần sư Phượng đã nói: Cả làng này sẽ phải thờ sống tôi”.

Sự việc “đổi tượng” này đã làm rúng động vùng nông thôn vốn yên bình. Số người kéo đến càng đông hơn, lực lượng Công an xã Chàng Sơn và cán bộ trong xã đã phải rất vất vả ổn định được ANTT. Đến 17h30 cùng ngày sư Phượng mới chuyển pho tượng đồng lên một xe ô tô và đưa đi đâu không ai biết. Cũng sau ngày 5/11, Sư Thích Minh Phượng đã rời khỏi chùa mà không báo cáo với chính quyền địa phương, mọi liên hệ với sư Phượng đều “bặt vô âm tín”.

Tượng cổ có bị vỡ, được đi tắm mát?

Quay trở lại với việc pho tượng cổ “Vua Cha Ngọc Hoàng” được sư Phượng đưa đi tắm mát ở sông Tây Ninh sau khi bị vỡ, xước (?).

Ông Nguyễn Kim Toàn (Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn) cho biết: “Cuối năm 2011, để lấy tư liệu viết cuốn sách “Lịch sử Đảng xã Chàng sơn”, tôi đã vào chùa Chân Long chụp lại pho tượng “Vua Cha Ngọc Hoàng”. Lúc ấy, pho tượng vẫn đang còn nguyên, chưa có xước, vỡ gì. Sư Thích Minh Phượng nhiều lần nói với tôi là pho tượng “Vua Cha Ngọc Hoàng” là thừa, cần phải thay thế. Tôi đã không đồng ý và đề nghị sư Phương giữ nguyên di tích lịch sử. Nhưng, giữa năm 2012 thì sư Phượng báo cáo pho tượng bị xước, vỡ và cho đi tắm mát tại sông Tây Ninh”.

Năm 2011 pho tượng cổ "Vua Cha Ngọc Hoàng" vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng đến nay pho tượng cổ hàng trăm năm đã "mất tích".

Trước yêu cầu đỏi trả lại pho tượng cổ hàng trăm năm của nhân dân cùng với trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND xã Chàng Sơn đã đề nghị sư Thích Minh Phượng trục vớt tượng lên. Theo kế hoạch của UBND xã, 7h sáng ngày 25/5/2012 chính quyền, sư Thích Minh Phượng và toàn thể nhân dân trong xã sẽ ra sông trục vớt.

Tuy nhiên, sư Phượng đã “nhanh tay” hơn chính quyền, 6h sáng hôm đó đã cho người vớt 2 bao tải đặt ở bờ sông Tây Ninh. Sư điện thoại cho lãnh đạo xã ra  nhận lại “cổ vật” và lập biên bản. Hiện tại lãnh đạo xã Chàng Sơn không thể xác minh được đất và trấu trong bao tải kia có phải là bức tượng cổ do ngâm nước lâu ngày mà mủn ra hay không, vì thế hiện vật vẫn được niêm phong và cất giữ chờ các cơ quan chức năng xác minh và làm rõ.

Hai bao tải được vớt lên từ sông Tây Ninh. Sư Phượng cho đây là xác pho tượng "Vua Cha Ngọc Hoàng".

Hai bao tải này được niêm phong và chờ cơ quan chức năng xử lý trong thời gian khá lâu.

Theo Ông Nguyễn Viết Minh (Thợ tạc tượng Phật lâu năm ở làng nghề Sơn Đồng – Hoài Đức) cho biết: “Nếu pho tượng “Vua Cha Ngọc Hoàng” là cổ vật hàng trăm năm thì chắc chắn là pho tượng được tạc bằng gỗ mít, không phải là đất hay gỗ thường. Gỗ mít chống mọt và ít khi bị gẫy. Hơn thế nữa, mấy trăm năm pho tượng đã không bị làm sao thì huống gì trong vòng một năm tượng lại nát vụn nếu không có sự tác động của con người”.

Phần lớn nhân dân xã Chàng Sơn nghi ngờ không hề có pho tượng nào bị ném xuống sông. Rất có thể pho tượng cổ đã được “tuồn” ra khỏi chùa Chân Long bằng con đường khác.

Trước đấy, sư Thích Minh Phượng đã nhiều lần tự ý thay đổi vị trí tượng Phật trong chùa, thậm chí còn mang về chùa 30 pho tượng mới. Thực tế, nhiều bát hương, linh vật và đồ thờ tự trong chùa đã bị thay mới. Cần phải làm rõ xem trước đó có sự hoán đổi giữa tượng cũ và tượng mới hay không? Số phận pho tượng và các hiện vật trong chùa bây giờ ra sao?.

 Người dân xã Chàng Sơn đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để truy tìm lại hiện vật cho ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia này. Hiện nay, chùa Chân Long còn có một chiếc chuông cổ có giá trị. Nhưng, người dân cho hay, kể từ khi sư Thích Minh Phượng về làm trụ trì thì chưa bao giờ nghe thấy một tiếng chuông.

 

 

 

 

 

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn