Tài xế vô cảm bỏ mặc nạn nhân chân đứt lìa

07:09, Thứ ba 17/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vụ tai nạn đã khiến các nạn nhân nằm bất động trên đường, anh Tài bị thương nặng, chị Luyến bị đứt lìa chân. Hai chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng.

Khoảng 14h chiều 15/9, tại đường DT 743,  thuộc khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trương Thị Luyến điều khiển xe máy BKS: 61D1- 13550 lưu thông hướng ngã tư 550 về bệnh viện quân đoàn 4, đã bất ngờ bị ô tô 4 chỗ chạy hướng ngược chiều đâm vào. Cùng lúc đó, anh Nguyễn Xuân Tài điều khiển xe máy BKS: 61B1- 06630 chạy phía sau đã tông sượt vào đuôi ô tô.

Vụ tai nạn đã khiến các nạn nhân nằm bất động trên đường, anh Tài bị thương nặng, chị Luyến bị đứt lìa chân. Hai chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng.

Sau khi gây tai nạn, tài xế xe ô tô đã không dừng xe lại, mà thản nhiên phóng xe đi, bỏ mặc nạn nhân đang nằm bất động dưới đường.

Sự việc gây bất bình trong dư luận vì hành vi vô đạo đức của người lái xe. Chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc Gia ông Nguyễn Hoàng Hiệp về vấn đề này. Theo ông Hiệp, đề án hợp tác giữa Bộ GTVT và Bộ Y tế về việc giúp lái xe và CSGT cứu người bị tai nạn trên đường được triển khai từ ngày 1/7 tại các cơ sở dạy lái xe. Hiện nay, Bộ GTVT đã soạn giáo trình và gửi xuống các trung tâm dạy lái xe để dạy cho các cán bộ, giáo viên trước và các cán bộ giáo viên này sẽ giảng tới từng học viên học lái xe. Công tác này được triển khai khá nhanh.

Gây tai nạn luật đang cho lái xe được bỏ trốn

Ông Hiệp cũng nhìn nhận hiện nay tình trạng lái xe gây tai nạn bỏ trốn rất nhiều. Không chỉ có lái xe mà thậm chí người đi đường cũng bỏ rơi nạn nhân. Theo quy định của pháp luật, nếu trong trường hợp bỏ rơi nạn nhân người lái xe sẽ bị xử phạt nặng hơn.

Trong luật giao thông đường bộ có quy định là trong trường hợp tài xế gây tai nạn mà người nhà thân nhân, hoặc người xung quanh phản ứng có thể làm nguy hiểm tới tính mạng thì được quyền đi khỏi hiện trường và tới trình báo tại cơ quan công an gần nhất sau đó. Tuy nhiên, hiện nay theo luật thì chưa quy định rõ thời gian bao lâu và trong trường hợp như thế nào là nguy hiểm tới tính mạng của lái xe. Ông Hiệp cho rằng chính điều này làm cho nhiều lái xe lách luật. Thậm chí, có những trường hợp không có người nhà của nạn nhân vây quanh lái xe vẫn bỏ trốn và sau 24 -  48 tiếng sau mới đến trình diện với cơ quan công an. Lúc đó, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn vì thực tế có nhiều trường hợp người khác ra trình diện hộ rồi lúc đó nếu lái xe có sử dụng rượu bia thì sau 24 - 48 h nồng độ cồn trong máu sẽ không con nữa. Chính quy định không cụ thể trên khiến không thể xử đến cùng lái xe bỏ trốn khi gây tai nạn.

"Theo tôi cần phải quy định rõ những trường hợp nào mới có thể rời khỏi hiện trường. Trong trường hợp người bị nạn còn đang sống mà không cứu giúp là không chấp nhận được. Những cơ quan điều tra cần đưa ra vụ điển hình xét xử linh động để răn đe các đối tượng khác" ông Hiệp nhấn mạnh.

"Trước mắt, chúng tôi đang đề cập đến việc sửa luật. Hiện nay chưa biết đến khi nào thì sửa luật xong vì cần nhiều thời gian nhưng trước mắt để tránh lách luật, chúng tôi đề xuất sửa đổi các thông tư, nghị định trước".

E ngại về trường hợp khi đề án được thực hiện nhưng lái xe vẫn vô cảm bỏ mặc nạn nhân không cứu nạn nhân thì xử lý như thế nào, ông Hiệp cho biết ngoài quy định cụ thể của luật hình sự, luật giao thông chúng tôi nghĩ hành động vô cảm của lái xe sẽ bị chính lương tâm của họ xử đến cuối đời.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: