Chi phí cấp Sổ đỏ gồm những gì?
Thông thường, khi cấp Sổ đỏ cho đất có đầy đủ giấy tờ, người dân phải nộp các khoản chi phí sau:
- Lệ phí trước bạ
Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP và Thông tư 13/2022/TT-BTC, mức lệ phí trước bạ phải nộp đối với nhà đất khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là 0,5%.
Theo đó, cách xác định lệ phí trước bạ phải nộp cụ thể:
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x Giá tính lệ phí trước bạ
Trong đó, khi đăng ký, cấp Sổ đỏ, Sổ hồng, lệ phí trước bạ được tính như sau:
Lệ phí trước bạ phải nộp = 0,5% x (Giá 01m2 đất trong Bảng giá đất x Diện tích được cấp sổ)
Giá 1m2 đất để tính lệ phí trước bạ là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký đất đai xác định và cung cấp cho cơ quan thuế.
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định, do đó mức thu từng tỉnh, thành có thể khác nhau, thông thường từ 100.000 đồng trở xuống/giấy/lần cấp.
- Phí thẩm định hồ sơ
Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 106/2021/TT-BTC quy định như sau:
Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp”.
Theo đó, phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận ở mỗi địa phương được quy định khác nhau.
Sau năm 2023, chi phí cấp Sổ đỏ sẽ tăng theo Luật mới?
Có thể thấy rằng, Bảng giá đất là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí làm Sổ đỏ (dùng để xác định lệ phí trước bạ). Do đó, việc điều chỉnh quy định liên quan đến bảng giá đất sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí cấp Sổ đỏ.
Hiện nay, Điều 113 Luật Đất đai 2013 quy định Bảng giá đất do các tỉnh quyết định căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 05 năm 01 lần. Trong đó, khung giá đất được hiểu là mức giá thấp nhất hoặc cao nhất với từng loại đất cụ thể.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Đất đai mới nhất đã bãi bỏ khung giá đất, theo đó căn cứ xác định Bảng giá đất được quy định cụ thể tại Điều 154 như sau:
Điều 154. Bảng giá đất
1. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm.
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định bảng giá đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành.
2. Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
Như vậy, khi bỏ khung giá đất, Nhà nước sẽ không áp dụng mức giá tổi thiểu và tối đa với từng loại đất nữa mà thay vào đó trước khi ban hành Bảng giá đất của từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, các phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng Bảng giá đất.
Do đó, nếu như dự thảo Luật Đất đai được thông qua vào cuối năm nay thì rất có thể, từ sau năm 2023, khi Bảng giá đất tại mỗi địa phương tăng sẽ kéo theo các chi phí làm Sổ đỏ cũng tăng lên.