Nhiều người có thói quen gọt hết vỏ của táo rồi mới bắt đầu thưởng thức. Điều này vô tình dẫn tới trên những miếng táo đã gọt vỏ xuất hiện những vết thâm đen, gây mất thẩm mỹ. Hiện tượng này xuất hiện rất nhanh, chỉ khoảng vài phút sau khi người dùng gọt vỏ, nếu không thưởng thức ngay.
Vậy khi táo đã xuất hiện dấu hiệu vết thâm đen, con người còn có thể ăn được không? Dưới đây là giải đáp của chuyên gia.
Trên thực tế, theo các chuyên gia cũng như bác sĩ, người có kiến thức về vấn đề này, việc táo bị thâm sau khi gọt vỏ không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng của táo. Người dùng vẫn có thể ăn và sử dụng như bình thường.
Ông Bùi Hồng Minh, thuộc Hội Đông y Thành phố Hà Nội cho biết, những vết thâm đen trên mình táo là phản ứng với không khí, môi trường bên ngoài, sau khi táo đã bị gọt bỏ lớp vỏ bảo vệ. Những vết thâm đen này đôi khi chính là cơ chế chống vi khuẩn và nấm của táo. Hiểu đơn giản, mình táo xuất hiện các vết thâm đen là do nhựa từ quả tiết ra. Chúng mang theo một số enzyme trong tế bào, khi phản ứng, tiếp xúc với oxy bên ngoài không khí, sẽ tạo ra một lớp oxy hoá. Từ đó giúp bảo vệ táo không bị nhanh hỏng.
Không chỉ với táo, ở một số loại quả khác như lê, đào, ổi hay roi (mận - tiếng miền Nam), người dùng cũng có thể bắt gặp hiện tượng này. Nếu vết thâm đen xuất hiện, chỉ khiến mình quả đổi màu, thì người dùng hoàn toàn có thể thưởng thức hoa quả bình thường mà không cần lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu những vết thâm đen đi kèm với thay đổi trạng thái của hoa quả như hoa quả bị mềm, nhũn, thậm chí chảy nước, có mùi khó chịu, thì chứng tỏ quả đã bị dập, hỏng, không nên sử dụng.
Mẹo để gọt táo ra không thâm
Các vết thâm đen sẽ vô tình làm mất sự thẩm mỹ của miếng táo, lê đã gọt. Với những gia đình có nhu cầu mời khách, điều này cũng nên được hạn chế. Dưới đây là mẹo đơn giản mà người dùng có thể áp dụng, nhanh gọn và đem lại hiệu quả tốt, giúp táo gọt ra không còn xuất hiện các vết thâm đen nữa.
Đó là ngay khi gọt vỏ xong, người dùng hãy thả miếng táo, lê, đào, hay roi... vào một bát nước lọc. Việc làm này vừa giúp hoa quả không bị thâm lại giữ được sự vệ sinh, tránh sự xâm nhập của các loại bụi bẩn hay vi khuẩn từ bên ngoài môi trường.
Bên cạnh nước lọc, nhiều người có kinh nghiệm cũng chỉ ra có thể dùng cho thêm chút muối loãng, tạo thành dung dịch nước muối loãng. Chuyên gia ẩm thực người Mỹ Ashley Wagner nói thêm, cũng có thể thay muối bằng chút nước cốt chanh hay chút giấm. Những nguyên liệu này đem lại hiệu quả tương tự như nhau.
Sau khi đã gọt xong toàn bộ số hoa quả, người dùng lấy hoa quả trong bát nước ra, bày ra đĩa và có thể thưởng thức bình thường. Hương vị của quả sẽ không bị ảnh hưởng bởi bước cho vào nước.
Với những gia đình không có nhu cầu dùng luôn, cũng có thể áp dụng bước cho hoa quả vào nước lúc gọt. Sau đó bảo quản hoa quả đã gọt xong vào các hộp đậy kín rồi cất tủ lạnh, khi có nhu cầu thì chỉ cần lấy ra. Hoặc để vào đĩa, bát, rồi dùng màng bọc thực phẩm đậy lại.
Vỏ táo chứa nhiều dưỡng chất
Vỏ táo chứa nhiều chất xơ
Một quả táo cỡ vừa còn nguyên vỏ chứa 4,4 gam chất xơ. Tuy nhiên, khi gọt vỏ, lượng chất xơ trong táo giảm xuống chỉ còn 2,1 gam. Chất xơ trong vỏ táo thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn đường ruột, từ đó giúp ngăn ngừa táo bón và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Chất xơ trong vỏ táo giúp làm giảm cảm giác thèm ăn và tạo cảm giác no, từ đó ngăn ngừa việc ăn quá mức giúp duy trì cân nặng ổn định.
Vỏ táo chứa nhiều vitamin
Một quả táo nguyên vỏ chứa 8,4mg vitamin C nhưng khi gọt vỏ, lượng vitamin C trong táo giảm xuống còn 6,4mg. Vitamin C đóng vai trò quan trọng với cơ thể, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Ngoài ra, trong vỏ táo còn chứa vitamin A, vitamin K cùng các khoáng chất như canxi, kali. Khi ăn táo gọt vỏ, mọi người dường như đánh mất các chất dinh dưỡng có lợi này.
Vỏ táo giàu chất chống oxy hóa
Vỏ táo chứa chất chống oxy hóa quercetin, có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra.
Quercetin cũng đã được chứng minh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách hạ huyết áp, giảm cholesterol và thư giãn mạch máu.
Ngoài ra Quercetin cũng được chứng minh có thể giúp cải thiện sức khỏe não bộ bằng cách giảm viêm và bảo vệ tế bào não khỏi các tổn thương, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa não khác.
Nghiên cứu của Đại học Cornell, Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng hợp chất triterpenoid trong vỏ táo có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt tế bào ung thư trong môi trường nuôi cấy ở phòng thí nghiệm. Đặc biệt, nghiên cứu cho biết các hợp chất này nhắm vào các tế bào ung thư gan, ruột kết và ung thư vú ở người.
Theo một bản đánh giá được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng tiêu thụ táo nguyên vỏ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, ung thư và bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu cho biết những lợi ích sức khỏe này đến từ các hợp chất thực vật có trong táo như quercetin, catechin, carotenoids, flavonoid, isoflavonoid, axit phenolic và axit chlorogenic. Tất cả đều là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra.
Lưu ý khi ăn táo nguyên vỏ
Để đảm bảo an toàn sức khỏe khi ăn táo nguyên vỏ, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên lựa chọn mua táo được trồng hữu cơ hoặc mua táo tại các cơ sở uy tín.
Trước khi ăn táo, mọi người cần đem rửa sạch, ngâm nước muối để loại bỏ bụi bẩn và các chất độc hại có trên vỏ táo.