Thái Lan: Thủ tướng khẳng định sẽ không từ chức

07:33, Thứ tư 15/01/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sau những cuộc biểu tình diễn ra nhiều ngày qua, hôm qua (14/1) Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã bác yêu cầu của phe đối lập đòi bà từ chức, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các nhiệm vụ cải cách đất nước

Ngày 14/1, “chiến dịch đóng cửa” Thủ đô Bangkok đã bước sang ngày thứ hai khi hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tiếp tục phong tỏa nhiều tuyến đường, bao vây một số trụ sở các bộ nhằm gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức. Phe biểu tình khẳng định sẽ không bao vây sân bay, các hệ thống giao thông chính và thị trường chứng khoán. Ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ thậm chí đe dọa bắt giam Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng các bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ tạm quyền nếu họ không từ chức.

Trước diễn biến đó, hôm qua (14/1) Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã bác yêu cầu của phe đối lập đòi bà từ chức, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các nhiệm vụ cải cách đất nước đang thực hiện dựa trên Hiến pháp tới khi một thủ tướng mới được bầu ra. "Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng tôi có nghĩa vụ hành động theo trách nhiệm của mình sau khi giải tán quốc hội", bà Yingluck nói.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra.

"Tôi muốn nói rằng tôi không tiếp tục nắm quyền để duy trì địa vị chính trị của mình mà tôi buộc phải giữ cho nền chính trị ổn định. Tôi phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ".

Sau cuộc họp Nội các, bà Yingluck cam kết sẽ bảo vệ nền dân chủ, đồng thời kêu gọi người biểu tình ngừng tuần hành và chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới. Bà cho biết đã thỏa hiệp trong phạm vi có thể và hy vọng sẽ được đối xử công bằng. Bà nói: “Tôi đã thoái lui tới điểm mà tôi không biết còn có thể thoái lui thêm nữa được không”.

Trong khi đó, nhiều quan chức chính phủ cho hay họ sẽ làm việc như bình thường mặc dù trụ sở bị chiếm giữ. Phó Thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tuyên bố, chính phủ nước này có khả năng kiểm soát tình hình hiện nay và hàng loạt biện pháp sẽ được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và hoạt động bình thường của các chuyến bay.

Hiện chưa rõ cuộc bầu cử theo dự kiến vào ngày 2/2 tới của chính phủ của bà Yingluck đề xuất có thể diễn ra hay không, khi những người biểu tình và đảng Dân chủ đối lập đều kêu gọi tẩy chay. 

Các đối thủ của bà Yingluck yêu cầu bà từ chức và nhường chỗ cho một chính phủ không qua bầu cử và chính phủ này sẽ tiến hành cải cách trước khi bầu cử mới diễn ra.

Mục tiêu cuối cùng những thủ lĩnh các cuộc biểu tình chống chính phủ theo đuổi là lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, xóa bỏ ảnh hưởng của ông Thaksin, lập “hội đồng nhân dân”. “Hội đồng” này, theo “ý tưởng” của ông Suthep, gồm đại diện từ mọi tầng lớp trong xã hội, sẽ chọn thủ tướng và nội các gồm những người không theo đảng phái nào, giỏi chuyên môn để thực hiện cải cách chính trị, trước khi tiến hành tổng tuyển cử, bầu ra một chính phủ mới.

Mô tả ảnh.
Nhiều tuyến đường ở Bangkok tiếp tục bị người biểu tình chiếm giữ.

Theo nhiều nhà phân tích, đề xuất của ông Suthep phi thực tế và không xác định được cụ thể “hội đồng” này sẽ được lập như thế nào. Nó cũng trái với hiến pháp hiện hành của Thái Lan.

Những người nghèo ở nông thôn ủng hộ thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006. Trong khi đó, những người biểu tình cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng và gia đình trị.

Nhiều người Thái Lan tin rằng quân đội sẽ sớm can thiệp để phá vỡ bế tắc chính trị này, đặc biệt nếu các cuộc biểu tình trở nên bạo lực hơn và đã xuất hiện tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: