Các giao lộ chính ở thủ đô Bangkok hôm nay vẫn bị chặn. Hàng nghìn người tuần hành bên ngoài những tòa nhà chính phủ, ngăn không cho các công chức của các bộ, cục hải quan, cơ quan kế hoạch và Ngân hàng Trung ương Thái Lan tới công sở, nhằm gây áp lực để Thủ tướng Yingluck từ chức. Điều này dẫn đến việc các bộ và ngân hàng trung ương Thái Lan buộc phải hoạt động trong các văn phòng hỗ trợ tạm thời.
Lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban nói trước đám đông "Trong hai hoặc ba ngày tới, chúng ta phải đóng cửa chính phủ. Nếu không được, chúng ta sẽ bắt thủ tướng và các bộ trưởng. Chúng ta sẽ bắt đầu cắt điện nước ở nhà của họ. Tôi khuyên họ hãy sơ tán con cái của mình".
Lãnh đạo phe biểu tình phát biểu trước đám đông.
Thậm chí, một nhóm sinh viên liên minh với Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) của ông Suthep còn đe dọa tấn công vào thị trường chứng khoán. Nhóm sinh viên này cho rằng thị trường chứng khoán là hiện thân của "hệ thống tư bản xấu xa trải thảm cho Thaksin trở thành tỷ phú".
Tuy nhiên, phát ngôn viên của PDRC, Akanat Promphan cho biết thị trường chứng khoán không phải mục tiêu của họ.
"Chúng tôi sẽ không bao vây những nơi phục vụ lợi ích công cộng gồm sân bay, nhà ga hay sở giao dịch chứng khoán. Nhưng chúng tôi sẽ chặn đường vào các tòa nhà chính phủ để chính phủ phải ngừng hoạt động", Akanat nói.
Người biểu tình chống chính phủ hò reo trên đường phố Bangkok.
Trước đó, hôm qua (13/1), hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ bắt đầu chặn những giao lộ lớn ở Bangkok nhằm làm tê liệt thủ đô, đòi bà Yingluck từ chức. Cảnh sát và binh sĩ Thái được triển khai đề phòng tình huống thành phố 12 triệu dân bị đình trệ, tuy nhiên không có dấu hiệu cho thấy chính phủ đang chuẩn bị dùng vũ lực chống người biểu tình.
Ông Suthep nói với đám đông biểu tình tại nút giao thông Pathumwan ngày 13/1: "Chúng tôi sẽ đóng cửa thành phố. Chúng tôi sẽ làm vậy tất cả các ngày cho tới khi nào giành chiến thắng".
Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi một cuộc gặp với lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ và các chính đảng để thảo luận về việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới, nhưng bị từ chối.
Lãnh đạo biểu tình cũng tái khẳng định lập trường không thỏa hiệp với chính phủ lâm thời nhưng cho biết ông muốn chấm dứt thế bế tắc chính trị. "Không đàm phán, không thỏa hiệp", ông Suthep nhấn mạnh.