Vụ án kinh hoàng cuối năm
Ngay tại khối 3 (P.Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) có một ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm khắp lối đi từ 24 năm nay. Ngôi nhà này là của vợ chồng ông Hồ Văn Sơn (SN 1957), bà Phạm Thị Thảo (SN 1963) cùng 2 con Hồ Thị Ngọc Mai (SN 1986) và Hồ Văn Tuấn (SN 1987), họ là 4 nạn nhân bị thảm sát vào cuối tháng 12-1991 và đây cũng là hiện trường vụ án.
Đến bây giờ, khi nhắc đến vụ thảm sát này, nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn rùng mình, chưa hết kinh hoàng trước cái chết thảm thương dưới lưỡi dao của kẻ thủ ác bí ẩn.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ thảm sát khiến 4 người chết cách đây 24 năm. |
Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà này, bà Trương Thị Lý (SN 1965), người em dâu của gia đình nạn nhân và cũng là người chứng kiến hiện trường sau khi vụ án xảy ra đau đớn nói: “Hai bác và các cháu chết oan uổng quá. Đến bây giờ hung thủ vẫn không biết là ai. Nay bố mẹ và chồng tôi cũng đã mất nên chỉ còn mỗi mình tôi qua lại hương khói”.
Theo lời kể của bà Lý, ông Hồ Văn Sơn thời trẻ có đi Bulgaria. Sau khi về nước, ông Sơn làm cán bộ thanh tra của một xí nghiệp xi măng trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Còn vợ ông Sơn là bà Thảo ở nhà làm ruộng, chăm sóc 2 đứa con nhưng cuộc sống của họ cũng rất khó khăn.
Với giọng xót xa, bà Lý nhớ lại: “Mùa đông năm xảy ra vụ án là một mùa đông mưa dầm, rất giá lạnh. Hồi đó, do tình hình kinh tế khó khăn nên không gia đình nào đủ gạo ăn mà cơm luôn luôn phải “độn” cả khoai lang, kể cả những gia đình khá giả. Chính vì thế, các hộ dân luôn luôn trồng khoai trong vườn để cải thiện đời sống”.
Chiều 31-12-1991, mẹ chồng bà Lý đi họp về thì nghe hàng xóm than thở rằng vợ chồng nhà ông Sơn đi đâu mà đóng cửa suốt ngày, để lợn gà đói xổng chuồng ra phá vườn khoai của họ. Những người hàng xóm còn kể lại, trong buổi tối trước đó họ nghe những âm thanh ồn ào, cùng tiếng kêu cứu thoát ra từ nhà ông Sơn nên họ nghĩ chắc là hai vợ chồng có mâu thuẫn nên đánh nhau. Ngày hôm sau, khi thấy cửa khóa họ đoán rằng vợ chồng ông Sơn đưa nhau về quê ngoại của bà Thảo.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 1-1-1992, bố của ông Sơn là ông Hồ Văn Thụ thức dậy vẫn thấy nhà con trai đóng cửa im lìm nên hơi lo lắng. Thấy sốt ruột, ông Thụ đi dò la tin tức nhưng vẫn không thấy vợ chồng con trai và 2 cháu ở đâu. Đến buổi chiều cùng ngày, ông Thụ cùng với một số người thân quyết định phá cửa nhà vào kiểm tra.
Di ảnh hai vợ chồng ông Hồ Văn Sơn và bà Phạm Thị Thảo. |
“Khi phá cửa vào, mọi người đi tìm kiếm ở trong nhà. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt khiến những người có mặt gần ngất xỉu khi thấy thi thể vợ chồng bác Sơn cùng 2 con bị sát hại nằm trên vũng máu dưới giường”- bà Lý nghẹn ngào kể.
Còn nhiều người chứng kiến vụ thảm sát đang sống. Họ nhớ như in hình ảnh từng nạn nhân bị sát hại. Ông Hồ Văn Bình, một người hàng xóm, nhớ lại đêm xảy ra thảm sát trời mưa, lạnh lẽo. Ông có nghe tiếng thất thanh kêu cứu liền chạy ra ngõ thì thấy lặng yên, không biết ai kêu. Đến ba ngày sau mới biết đêm hôm đó cả nhà ông Sơn bị thảm sát rất đau lòng.
Ai cũng kể, vợ chồng ông Sơn sống rất hòa đồng với bà con, hàng xóm. Thời điểm đó cuộc sống ở đây ai cũng khó khăn, ăn khoai độn cơm. Khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng phát hiện trong dạ dày của 4 nạn nhân toàn là khoai lang. “Người dân chúng tôi chờ suốt 24 năm để biết hung thủ sát hại cả gia đình anh Sơn là ai. Vợ chồng anh Sơn có ai hận thù thì chúng tôi không biết, nhưng hai đứa con của họ là những đứa trẻ mới tập đi, tập nói có tội tình gì đâu mà hung thủ lại ra tay...”, ông Bình ray rứt.
Nỗi đau sau 24 năm
Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra thu thập chứng cứ. Theo đó, cơ quan điều tra cũng tiến hành lấy lời khai của những người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Nơi yên nghỉ của 4 nạn nhân trong vụ thảm sát cuối năm 1991. |
Ông Nguyễn Hồng Ninh - nguyên Chủ tịch UBND xã Đại Nài kể lại, ông là người phối hợp bảo vệ hiện trường, cung cấp thông tin về vụ trọng án cho công an tỉnh Hà Tĩnh. Khi bước chân vào căn nhà cảm thấy lạnh ngắt, 4 người tử vong vẫn đang nằm giữa nhà, bên ngoài đường hàng trăm người dân hiếu kỳ tập trung theo dõi.
“Qua khám nghiệm tử thi, 4 nạn nhân đều bị chết do cắt cổ. Nạn nhân Phạm Thị Thảo ngoài bị cắt cổ, còn có 11 nhát dao đâm ở tay, ngực có thể do chống đỡ và 3 nhát dao sau lưng. Kiểm tra trong nhà, tài sản không bị mất gì. Cơ quan chức năng kết luận hung thủ chỉ giết người, không cướp tài sản”- ông Ninh kể lại.
Đại tá Nguyễn Công Hiền, nguyên Phó trưởng Công an thị xã Hà Tĩnh lúc bấy giờ, cho biết đây là một vụ trọng án nên Công an tỉnh Hà Tĩnh thụ lý, ông chỉ trực tiếp tham gia chỉ đạo trong ban chuyên án. Vụ án này điều tra mất khoảng 3 năm, sau đó khởi động điều tra lại thêm 1 năm nhưng đều không có cơ sở kết luận kẻ phạm tội.
“Chúng tôi có tình nghi một số người, nhưng sau đó họ không liên quan tới vụ án. Cái khó của vụ án là không thu được bất cứ tang vật nào. Mặc dù cử người nằm vùng nghe ngóng, lùng sục khắp nơi tìm tang vật nhưng đều không có kết quả. Rà soát lấy vân tay từng người dân trong xã, nhận được bất kỳ thông tin gì ở bất cứ nơi nào cũng tới điều tra nhưng đều không đủ tài liệu để kết luận dấu hiệu phạm tội. Thời gian đó có bắt được một số người nghi vấn, nhưng họ có chứng cứ ngoại phạm nên tòa án tối cao không nhất trí, sợ oan sai nên không xử”, ông Hiền kể lại.
Cũng theo ông Hiền, qua nhiều năm điều tra nhưng vụ án vẫn bế tắc, thông qua các cuộc họp từ tỉnh tới Trung ương, ban chuyên đã thống nhất dừng. Sau đó thông báo rộng rãi tới quần chúng về quyết định này, bởi không đủ tài liệu kết luận dấu hiệu phạm tội.
Di ảnh của 4 nạn nhân trong vụ thảm sát. |
Sau cái chết của gia đình người con trai đầu, hai vợ chồng ông Hồ Văn Thụ luôn thương nhớ, đau buồn và già đi trước tuổi. Chồng bà Trương Thị Lý là ông Hồ Văn Tùng ngày đó làm cán bộ cũng được bố cho về nhà nghỉ.
Bà Lý ray rứt: “Bố mẹ chồng lúc còn sống vẫn thường xuyên làm việc với chính quyền, hỏi han tin tức về tiến trình điều tra vụ án, nhưng không có kết quả. Tháng 9-2004, bố chồng tôi có viết đơn gửi các ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh hỏi về thông tin, yêu cầu hồi âm vụ án, nhưng không được. Nay bố mẹ chồng đều đã qua đời, ước nguyện của họ mãi không được trả lời”.
Thắp nén nhang lên bốn ngôi mộ cô quạnh, lạnh lẽo giữa bãi tha ma, chúng tôi nhớ lại bản án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn khi hung thủ gây án có lòng trắc ẩn ra đầu thú. Vụ án này lãng quên 24 năm. Chắc chắn hung thủ có vợ, có con. Không biết hung thủ có hối hận, ám ảnh về hình ảnh hai đứa trẻ thơ bị giết chết khi hàng ngày nhìn những đứa con nhỏ của mình đang nô đùa, nghịch ngợm, gọi cha mẹ hay không?
Kinh hoàng: Kịch bản man rợ vụ hạ sát 4 người rúng động xứ Nghệ (Xã hội) - (Phunutoday) - Suốt 1 tuần qua, người dân Tày Poọng ở bản Phồng vẫn chưa thôi kinh hãi khi chứng kiến vụ giết người tập thể ven con suối Cát Tả. |