Thông tin Mỹ vừa tịch thu hơn 200.000 búp bê có xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến nhiều phụ huynh thật sự hoang mang. Theo Cục Hải quan và biên phòng Mỹ, số búp bê bị tịch thu có nồng độ phthalates cao. Đây là loại hóa chất dùng để làm vật liệu mềm và dẻo hơn, đã bị Quốc hội Mỹ cấm sử dụng trong đồ chơi trẻ em.
Tại chợ Bình Tây (Q.6), búp bê được treo ngay mặt tiền những quầy hàng chuyên bỏ mối đồ chơi, với đủ các loại lớn nhỏ, mẫu mã khác nhau. Hầu hết đều có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt, váy áo xúng xính và đủ các loại phụ kiện đính kèm. Có loại toàn thân đều cứng; loại khác thân cứng nhưng đôi bàn tay và chân thì rất dẻo… Búp bê loại dẻo đắt tiền hơn loại cứng. Một chị bán hàng cho biết, “búp bê bán rất chạy”, tất cả đều là “made in China”.
Tại một số nhà sách, mặt hàng búp bê cũng rất phong phú, đa dạng, có cả hàng cao cấp và hàng bình dân. Loại bình dân có giá từ 56.000 - 195.000đ/sản phẩm, được bọc trong bao ni lông bình thường; loại cao cấp hơn có giá từ 299.000 - 569.000đ/sản phẩm, được đóng trong hộp với thiết kế đẹp mắt. Chất liệu chính tạo nên búp bê là từ nhựa hoặc nhựa dẻo. Cũng như hàng ở chợ, 100% búp bê ở đây đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở phân khúc các cửa hàng đồ chơi trẻ em cao cấp được bán trong các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn, giá mỗi con búp bê tối thiểu 400.000đ; đa phần dao động trên dưới một triệu đồng/con; có loại lên đến hai-ba triệu đồng/con. Người bán khẳng định búp bê rất an toàn vì tuy được sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc.
Nhìn chung, tất cả búp bê đều không có thông số kỹ thuật, nếu có chỉ chung chung là nhựa và vải.
Búp bê từ cao cấp đến bình dân đều là hàng Trung Quốc.
TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: Phthalates là tên gọi của một họ gồm nhiều chất hóa học được thêm vào trong quá trình sản xuất, gia công các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa PVC, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu (có thể làm cho nhựa cứng hơn, dẻo hơn, trong suốt hơn hoặc làm cho sơn cứng hơn, tùy loại phthalates được thêm vào).
Do phthalates không tạo bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa nên rất dễ thoát ra ngoài sản phẩm chứa chúng để đi vào môi trường và cơ thể người, động vật; nhất là khi sản phẩm nhựa bị lão hóa do sử dụng lâu hoặc do tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng…). Phthalates đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và phụ nữ có thai do có thể làm tăng các nguy cơ về sức khỏe: ung thư vú, rối loạn nội tiết, rối loạn sinh sản, rối loạn chuyển hóa; có thể gây sẩy thai, quái thai, sinh non, rối loạn hormone giới tính (làm trẻ em dậy thì sớm). Chính vì vậy, các chất hóa dẻo họ phthalates đã bị cấm sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…
Theo ông Hoàng Lâm, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3), hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc kiểm định chất phthalates có trong sản phẩm đồ chơi trẻ em. Chất này chỉ nằm ở mục lưu ý thêm “có khả năng gây độc” trong các tiêu chuẩn đo lường. Việc kiểm nghiệm phthalates tốn khá nhiều chi phí và thời gian. Vì vậy, chỉ khi nào nghi ngờ có yếu tố nguy cơ cao (như sản phẩm làm từ vật liệu nhựa) thì trung tâm mới thực hiện.
“Khi mua đồ chơi bằng nhựa cho con mình, các bậc phụ huynh nên hạn chế mua các đồ chơi sản xuất từ nhựa PVC (vì có nguy cơ chứa phthalates). Thông qua quá trình tiếp xúc, cắn, ngậm, hít thở, các bé sẽ rất dễ bị phơi nhiễm phthalates và có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển sau này”, TS Huỳnh Khánh Duy cảnh báo.