Thêm quyền lợi khi đi khám chữa bệnh dùng BHYT, người dân biết mà tận dụng

09:51, Thứ tư 04/09/2024

( PHUNUTODAY ) - Việc sửa Luật sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo nhóm đối tượng và bảo đảm quyền lợi phù hợp.

Tại Hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức 29.8, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết: Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh. Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; bảo đảm thống nhất với Luật KCB 2023 và các luật, quy định có liên quan.

Thêm quyền lợi khi đi khám chữa bệnh dùng BHYT, người dân biết mà tận dụng

Thêm quyền lợi khi đi khám chữa bệnh dùng BHYT, người dân biết mà tận dụng

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT được thông qua sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ KCB BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT...”- lãnh đạo Vụ BHYT cho biết.

Những đề xuất cần phù hợp với thực tế và khả năng chi trả của quỹ BHYT

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam thống nhất cao với định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, đó là hướng đến mục tiêu cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng chi phí hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Song, theo ông Thao, điều chúng ta cần quan tâm là phải làm sao để những đề xuất này phù hợp với thực tế, với khả năng chi trả của quỹ BHYT; có tính đến khả năng đóng của đơn vị sử dụng lao động, người lao động, người dân và ngân sách Nhà nước…

Ông Thao cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể, toàn diện các tác động từ những đề xuất mới trong Dự thảo Luật. Việc mở rộng phạm vi quyền lợi cần được tính toán trong mối tương quan đến quỹ BHYT, đặc biệt là tác động kinh tế và khả năng đóng của doanh nghiệp, người lao động, người dân và ngân sách nhà nước. Từ đó, đề ra các giải pháp và lộ trình phù hợp tăng nguồn quỹ BHYT, đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Khám chữa bệnh BHYT

Khám chữa bệnh BHYT

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn xác định rõ công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT không phải để hạn chế quyền lợi người bệnh, mà để kịp thời giám sát, ngăn ngừa các vi phạm, qua đó đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT phù hợp với các định mức kinh tế kỹ thuật đã được Bộ Y tế xây dựng cho từng dịch vụ.

Cũng theo ông Sơn, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiện hành là cần thiết, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời, đảm bảo thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Mộc