Trung tâm môi giới cầm tiền… rồi nói tiếp
Trong những ngày giáp tết, các doanh nghiệp, cửa hàng hay cá nhân thường có nhu cầu tuyển lao động phục vụ cho công việc bận rộn cuối năm. Nhiều tờ rơi, biển báo tuyển dụng được dán tràn lan trên gốc cây, tường, bến xe. Thậm chí, thông tin tuyển dụng được viết trên mảnh giấy nhỏ và được dán trong nhà vệ sinh để tiện “bắt mắt”. Phần lớn, nội dung ghi trên mảnh giấy là tuyển làm part-time (làm theo ca – PV), thời vụ tết hoặc làm trong ngày. Mức lương tuyển dụng khá cao so với các ngày thường, dao động từ 180 – 250 nghìn đồng/ca (1 ca 2 tiếng đồng hồ). Đối tượng cần tuyển chủ yếu là sinh viên hoặc những người sinh năm 1994 – 1995.
Giấy đăng tuyển việc làm dịp tết dán tràn lan khắp bảng tin và tường.
Theo quan sát của PV, thông tin tuyển dụng trên các tờ rơi vào dịp tết này rất hấp dẫn, được nhiều người quan tâm và có ý muốn xin đi làm.
“Tuyển gấp 50 nhân viên bán hàng tại siêu thị Mê Linh, Metro, HC, Big C… Yêu cầu: Nam nữ tuổi từ 18 trở lên; Mức lương: 4,8 – 6,2 triệu/tháng (ngoài ra còn được hưởng 15% doanh thu bán hàng); Không yêu cầu bằng cấp, chưa biết được đào tạo; Được ăn ở miễn phí sau khi vào làm; Ngày lễ tết được hưởng 200% lương và được hưởng 1 tháng lương…”. Đây là nội dung một trong những tờ giấy đăng tuyển việc làm gây được sự chú ý của nhiều người.
Thậm chí, giấy đăng tuyển còn được treo trong nhà vệ sinh để dễ "bắt mắt".
Tuy nhiên, để được đi làm với mức lương hấp dẫn này thì người lao động phải qua trung tâm môi giới và đáp ứng những yêu cầu “cần đủ” và “phải có”.
Để tìm hiểu những điều kiện “cần đủ” và “phải có” của các trung tâm môi giới. PV báo Phunutoday đã mục sở thị một trung tâm môi giới việc làm đăng tin tuyển dụng thời vụ phát sản phẩm, quà tết tại các siêu thị lớn như: Big C, Metro, HC…
Theo địa chỉ ghi trên tờ rơi tuyển dụng, PV đã đến một trung tâm giới thiệu việc làm ở Giải Phóng (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Sát đường ray tàu đoạn cắt Trường Trinh – Giải Phóng là một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ không có biển tên trung tâm và cửa sắt luôn đóng khép hờ. Bước vào trong nhà, không thấy nhân viên làm việc, gọi hỏi mấy lần thì không ai trả lời. Khi PV chuẩn bị ra về thì từ trên gác xép, một người phụ nữ đon đả chạy nhanh xuống cửa và hỏi chuyện. Khi biết có người đến xin việc làm dịp tết thì người phụ nữ này mời lên phòng để bàn công việc. Gọi là phòng làm việc nhưng thực chất chỉ là tầng gác xép rộng khoảng 8m2, bộ bàn ghế gỗ đã gần mục nát và chiếc bóng đèn vàng lay lắt gần cháy.
Người phụ nữ tự giới thiệu tên là Thanh, giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm An Khánh. Khi hỏi vì sao trung tâm không treo biển tên ngoài cửa và nhân viên đi đâu hết thì chị Thanh giải thích “Do cơn bão vừa rồi mạnh quá, nó quật đổ biển trung tâm, vẫn chưa có thời gian để dựng lại. Nhân viên của chị thì đi thị trường cả rồi, gần tết nhiều việc nên chúng nó cứ đi suốt, còn mỗi chị ở đây để trực” (?).
Ngôi nhà được xem là văn phòng làm việc của chị Thanh.
Như biết trước sẽ có người đến xin việc, chị Thanh đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan đến công việc làm thời vụ phát sản phẩm, quà tết của các hãng mỹ phẩm, dầu gội, sữa… tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Chị yêu cầu nộp bản photo chứng minh thư nhân dân, viết đơn xin việc ngay tại bàn và ký vào bản hợp đồng. Chị Thanh cũng nói luôn mức lương nhận được là 300 nghìn đồng/ca (1 ca 2 tiếng đồng hồ). Ngoài ra, chị Thanh còn yêu cầu phải đóng cho trung tâm 300 nghìn đồng lệ phí giới thiệu việc làm. Khi đã cầm chắc tiền trong tay, chị Thanh nói ngay: “Đây mới chỉ là điều cần đủ để em có thể đi làm dịp tết này. Khi đi làm em sẽ phải thử việc 1 tuần, sau thời gian thử việc em sẽ nhận được lương nhưng trung tâm chị sẽ chiết khấu 10%”. Không chỉ dừng lại ở đây, chị Thanh đề nghị mang bộ hợp đồng vừa ký qua Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội) để gặp người trực tiếp sắp xếp công việc. Tìm đến địa chỉ ở Định Công thì không có người cần tìm và cũng không phải là công ty mà chị Thanh nói. Khi PV trở lại ngôi nhà ở Giải Phóng thì đã thấy “cửa đóng then cài” và không còn ai trong nhà.
Có việc nhưng mất công
Dọc các ngã tư đường phố Hà Nội, người lao động phổ thông ngồi tập trung một chỗ để đợi người đến thuê làm. Phần lớn, họ là những người từ các vùng quê lên Hà Nội để tìm việc làm thêm vào dịp tết. Có người xin làm cửu vạn bốc vác, có người xin làm người giữ trẻ và cũng có người xin làm dọn dẹp nhà cửa cuối năm.
Ngồi chờ từ sáng đến chiều muộn, chị Lan (quê Nam Định) may mắn được một người đàn ông thuê về dọn dẹp nhà cửa. Giá thỏa thuận giữa chị và người thuê là 200 nghìn đồng. Đồng ý, lên xe, chị được người đàn ông chở về ngôi nhà ở khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa – Hà Nội). Tuy nhiên, khi làm xong mọi việc được giao, chị Lan thẫn thờ vì chỉ nhận được 100 nghìn đồng cùng với đó là hứng chịu lời nhiếc móc từ người chủ nhà khi đổ oan cho chị lấy trộm đồ. Đành rằng “ngậm bồ hòn làm ngọt” cầm 100 nghìn đồng đi về. Nhưng chị lại mất 40 nghìn đồng tiền xe ôm chở về ngã tư Khuất Duy Tiến.
Vào dịp cận tết, "chợ người" luôn xuất hiện trên các con phố Hà Nội.
Chị Lan chia sẻ: “Không biết có cố ý ăn quỵt tiền, phủ công hay không mà hôm đấy cô vợ cứ vu oan cho tôi lấy trộm đôi giày. Tìm mãi mà có thấy đâu khi tôi không lấy. Viện cớ bức xúc mất đồ, thế là trừ một nửa tiền thuê dọn dẹp rồi đuổi tôi đi. Tôi bảo anh chủ nhà chở về ngã tư lúc chiều ngồi thì bà vợ quát tháo, cấm chở, đành phải đưa 40 nghìn cho anh xe ôm chở về, xem như làm không công”.
Dẫu biết rằng, dịp tết là cơ hội để nhiều người lao động có thêm việc làm, có thêm thu nhập. Nhưng cũng cần phải đề phòng với những chiêu trò lừa đảo, bịp bợm của những đối tượng “đục nước béo cò” để vụ lợi.