Mứt Tết được nấu chung cùng với ruồi muỗi
Làng Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) từ lâu là nơi cung cấp mứt cho hàng loạt thương hiệu bánh kẹo lớn ở Hà Nội, thế nhưng, nơi đây cũng gắn với "thương hiệu" làm mứt... mất vệ sinh. Những ngày cuối năm, làng mứt Xuân Đỉnh lại trở nên nhộn nhịp, ở bất cứ chỗ nào có khoảng đất rộng là người làm mứt tận dụng làm nơi phơi nguyên liệu. Cảnh ruồi bu hàng đàn trên những nguyên liệu làm mứt, bụi bẩn, rác rưởi xung quanh, gia súc chạy qua chạy lại... là chuyện chẳng hề hiếm ở nơi đây.
Vỉa hè cạnh kênh thoát nước được tận dụng để phơi mứt. |
Đoàn quản lý kiểm tra thị trường quận Từ Liêm đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất mứt. Được biết, mỗi cơ sở tại đây có thể cung cấp hàng tấn mứt cho dịp tết nguyên đán này. Hay cũng có nhiều đơn vị gia công cho các đơn vị nổi tiếng trên thị trường. Bước đầu, theo kết quả kiểm tra tại làng nghề mứt tết quận Từ Liêm cho thấy: Trong 3 cơ sở sản xuất chỉ có 1 cơ sở xuất trình được đầy đủ giấy tờ. Còn lại khi đoàn kiểm tra yêu cầu, thì chủ các cơ sở viện đủ mọi lý do để không đưa ra các giấy chứng nhận chất lượng. Chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại quận Từ Liêm lấy lý do: "Xưởng của em giao cho công ty bánh kẹo Hải Hà, có hợp đồng nhưng mai mới lấy cơ".
Được biết, khi đến tay người tiêu dùng, những hộp mứt tết được đóng gói rất đẹp mắt và sạch sẽ. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã bao giờ tự hỏi quy trình sản xuất mứt tết như thế nào?
Những cơ sở sản xuất mứt kẹo được đặt ngay sát đường đi, đầy bụi bẩn. Từ khu đất trống ven đường, đến hai bên ngõ vào làng, trong nhà, thậm chí là trên tầng thượng... tất cả đều được các hộ làm mứt tết tại làng Xuân Đỉnh tận dụng tối đa để ngâm, phơi, đóng gói, sản xuất đủ loại mứt. Một bãi đất trống được dùng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và rác thải ở sâu trong ngõ 216 Xuân Đỉnh, đã trở thành nơi phơi mứt trong những ngày cuối năm. Gần đó là một công trường đang thi công, bụi bặm mịt mù. Người phơi thì cứ phơi còn công trường vẫn cứ thi công...
Nơi chế biến được dựng tạm bợ ngay trên bãi rác. |
Phơi nguyên liệu là vậy, còn các công đoạn khác như gọt vỏ, thái, rửa và ngâm... nguyên liệu thì kinh khủng gấp trăm lần. Hình ảnh người dân làng mứt ngồi ngay cạnh những dòng nước thải có màu đen đặc quánh, cạnh khu đổ rác và giữa đường bụi bặm khiến ai nhìn thấy cũng phải rùng mình. Cà rốt, bí xanh… nhiều loại chất đầy sân, không cần rửa qua nước, công nhân cho vào máy cắt cáu bẩn. Bí xanh, càrốt sau khi cắt thành miếng trải qua các công đoạn ngâm phơi, sấy thành sản phẩm mứt. Ngay cổng làng, bí xanh được phơi khắp nơi, kể cả bãi ruộng, lề đường. Chỉ cần một tấm bạt trải xuống là đổ bí lên phơi mặc cho xung quanh rác bẩn, cống rãnh, ao tù bủa vây.
Một cơ sở sản xuất ở ngay cổng làng khá rộng. Cả chục người ngồi cho cà rốt vào máy thái ngay cạnh toilet và một cống thoát nước. Cà rốt không rửa, để xuống sàn đất ẩm ướt, bẩn thỉu. Bà H., chủ cửa hàng giải thích: “Đây là nguyên liệu làm mứt, để thành phẩm còn qua nhiều công đoạn sạch sẽ lắm. Gia đình mình cũng ăn làm sao làm bẩn được!”. Cũng theo lời bà H., bí xanh, càrốt là hàng mua giá rẻ chứ không phải của Trung Quốc. Còn đậu phộng làm mứt trứng chim là loại lép, hạt bé, như thế mới có giá thành thấp 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Thùng ngâm mứt đặt ngay cạnh cống nước. |
Một cơ sở sản xuất khác ngay cạnh bãi đất trống và một cái ao tù. Công nhân tay trần, chân đất hoặc ủng dẫm dưới nước, đất bẩn rồi sẵn sàng đặt cả bàn chân lên đống bí xanh dưới nền nhà.
Tại một hộ sản xuất mứt lớn nhất trong làng, cơ sở vật chất lại thô sơ, tối giản nhất có thể. Trong xưởng chỉ có mấy bể chứa, vài thùng nhôm, mấy chục sọt nhựa nhân bí nằm ngổn ngang trên sân. Thậm chí, có thùng mứt đang được đun lên với đen kịt ruồi muỗi chết.
Thùng nấu mứt cùng với ruồi. |
Mất vệ sinh là thế, nhưng theo chia sẻ của những người làm mứt thì mứt Xuân Đỉnh khá đắt khách, nhất là vào những dịp cận tết. Hàng làm ra đến đâu hết đến đấy, để thành túi lớn không nhãn mác, không nơi sản xuất cũng có, chia thành túi nhỏ, đóng nhãn mác cũng có. Và nếu không tận mắt chứng kiến những cơ sở sản xuất mất vệ sinh này thì khó ai có thể tưởng tượng được, hàng tấn sản phẩm được làm ra tại các cơ sở này sẽ đến tay người tiêu dùng với những cái tên quen thuộc lâu nay như Hải Hà, Hữu Nghị...
Mứt Trung Quốc được thay tên đổi họ
Những túi mứt Tết đủ màu sắc, hương vị được bày rất bắt mắt tại các sạp hàng chợ đầu mối Đồng Xuân và phố Hàng Buồm (Hà Nội). Những túi mứt Tết này là đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Các tiểu thương ở đây tự gán nhãn cho sản phẩm của mình những cái tên danh giá: Mứt Tết gia truyền Hà Nội, mứt Thái Lan... mà thực chất đều là hàng Trung Quốc độc hại, có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. Có rất nhiều loại mứt khác nhau: mứt bí, mứt cà rốt, mứt khoai, mứt gừng, mứt mận, mứt đào... với giá bán buôn dao động từ 40.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/1kg.
Theo lời giới thiệu của bà H - một chủ sạp bánh kẹo lớn tại đây, các loại mứt mà bà bán đều được làm thủ công, nguyên liệu sạch, được tuyển chọn vô cùng kỹ lưỡng: "Chẳng hạn như mứt bí là phải chọn quả già, đanh, phải ngâm qua nước vôi trong rồi phơi đến cả tháng trời. Đường cũng đảm bảo là đường sạch chứ không phải mấy loại đường hóa học. Mứt gia truyền nên đảm bảo không ở đâu sánh bằng".
Tuy nhiên khi được hỏi địa chỉ nơi sản xuất mứt gia truyền thì bà H. lúng túng giải thích: "Nhà chị buôn lớn, lấy hàng ở nhiều xưởng khác nhau, làm sao mà kể hết cho em biết được. Em chỉ cần yên tâm là xưởng nào cũng có giấy chứng nhận vệ sinh đàng hoàng. Còn chị bán ở đây cả chục năm rồi, ai mà chẳng biết".
Theo quan sát, các loại mứt đủ màu tại gian hàng của bà H. vừa được đựng trong từng chiếc túi bóng to khoảng 10kg, màu trắng, vừa được đóng sẵn thành từng gói nhỏ khoảng 400 - 500g, có ghi dòng chữ: Chúc mừng năm mới, ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin về nơi sản xuất hay hạn sử dụng.
Mứt không rõ nguồn gốc được bày bán đầy chợ. |
Qua một gian hàng bán bánh mứt kẹo khác tại chợ Đồng Xuân, bà chủ quán tên N. trông còn khá trẻ, vừa giới thiệu không ngớt miệng, vừa lôi ra một đống nhãn mác khác nhau, nào là "Mứt bí gia truyền Hà Nội", "Mứt Thái Lan chúc mừng năm mới"... Nhãn mác thì bắt mắt, nhưng hạn sử dụng chỉ ghi rất chung chung là sử dụng trong vòng 5 tháng. "Em thích nhãn mác nào chị cũng có hết. Em cứ đóng vài chục cân vào, rồi chị cho mác về nhà tự cân, tự đóng lấy. Thích hàng nội, hàng ngoại đều được tất", bà chủ N. hướng dẫn.
Cầm một gói mứt bí có màu hồng trên tay, phóng viên quay sang hỏi bà chủ về nguồn gốc thật sự và độ an toàn thì được cho biết: "Mấy năm trước bọn chị còn nhập được hàng Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội), nhưng năm nay khó khăn quá, bên đó người ta bỏ nghề gần hết rồi, những xưởng còn làm thì giá lại cao, buôn không có lãi nên phải nhập hàng Trung Quốc. Được cái hàng này mẫu mã đẹp, nhiều màu sắc nên đổ buôn cho các tỉnh được lắm. Tết nhất nên ai cũng thích màu mè. Còn vệ sinh thực phẩm thì em cũng không cần lo. Nói thật là ngày nào ngồi đây bán chị cũng nhấm nháp một tí mà có bị đau bụng hay làm sao đâu".
Nguy cơ ung thư, tử vong cao
Trao đổi với PV, một chuyên gia y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đối với các loại mứt Tết không có hạn sử dụng đã vô cùng nguy hiểm, chứ chưa cần xét đến nguồn gốc xuất xứ ở đâu.
"Đôi khi sản phẩm có hạn sử dụng còn chưa chắc tin được chứ đừng nói là không có hạn. Báo chí vẫn đưa tin rất nhiều, chuyện tiểu thương vì ham lợi nhuận mà thay hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng. Cho nên người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và thông minh, khi mua bất kỳ sản phẩm nào cũng cần kết hợp xem kỹ hạn sử dụng, nơi sản xuất và đánh giá sản phẩm bằng mọi giác quan.
Mứt Trung Quốc được đóng gói thành mứt Tết cổ truyền. |
Riêng các loại mứt Tết bày bán trên thị trường hiện nay, dù không dám nói hàng Trung Quốc tràn ngập, nhưng tôi có thể khẳng định là chắc chắn có rất nhiều hàng Trung Quốc trôi nổi. Các loại mứt Trung Quốc nhìn bằng mắt thường rất đẹp, màu sắc tươi sáng, bắt mắt, có độ giòn. Còn mứt nội địa, chẳng hạn như mứt bí thường không có màu sáng trắng, lớp đường mỏng và bản không to.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mứt nội địa an toàn. Ngày nay khoa học phát triển, rất nhiều loại hóa chất được nhập về, đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà sản xuất, cho nên an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Trước đây, chúng ta đã từng phát hiện ra việc người ta sử dụng hàn the, chất tẩy trắng, các loại hóa chất hương vị để tẩm ướp vào mứt, vào thực phẩm. Công dụng của các loại hóa chất này là giúp cho thực phẩm giòn, dai, có màu sắc đẹp.
Ví dụ như khi làm mứt dừa, cho một ít hàn the vào thì sợi dừa sẽ dai, không bị đứt gãy, cho vào mứt bí thì sẽ có độ giòn. Tương tự, đối với các loại khác như mứt khoai, người ta hay ngâm vào nước có hòa chất tẩy trắng, vì khoai có nhiều nhựa, ngâm vào đó sẽ tẩy hết nhựa, khiến cho khoai có màu đẹp hơn. Cho nên khi mua mứt, người tiêu dùng nên lựa chọn những thương hiệu có uy tín, độ tin cậy cao.
Trên thị trường còn có rất nhiều loại mứt màu sắc xanh đỏ tím vàng và cũng cần đặc biệt lưu ý. Tôi không dám nói là toàn bộ đều là phẩm màu hóa học, nhưng để loại bỏ nguy cơ gây mất an toàn, tốt nhất là không nên sử dụng các loại mứt nói riêng và các loại thực phẩm nói chung có màu sắc không nguyên gốc. Chẳng hạn như bí có màu trắng thì chỉ nên mua loại mứt bí trắng, các loại mứt bí màu xanh, màu hồng thì không nên sử dụng", chuyên gia y tế cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi sử dụng các loại mứt Tết không đảm bảo sẽ đưa đến nhiều hậu quả khó lường. "Nhẹ nhất là đau bụng đi ngoài. Nặng hơn là ói mửa, tím tái, phải cấp cứu. Và nguy hiểm hơn nữa là khi sử dụng phải các loại mứt có chất phụ gia độc hại sẽ làm suy tim, suy thận, suy gan... gây ung thư và tử vong bất cứ lúc nào".