Có một câu chuyện như sau:
Vào năm 1998, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nghe nỗi lòng của một người phụ nữ vô cùng đau khổ. Bởi người phụ nữ ấy bị cha lạm dụng tình dục suốt 5 năm, 30 năm sau vết thương vẫn còn.
Cụ thể như sau:
Kính thưa Thầy, câu hỏi của con có liên quan đến khổ đau của con. Con không biết phải hỏi như thế nào.
Lúc con còn nhỏ, cha của con là một người nghiện rượu. Ông ta đã dạy con tất cả những gì về tình dục và đã lạm dụng con. Ông ta đã lạm dụng con trong suốt năm năm.
Con không thể nói với Ông ta về nỗi khổ lớn lao này và lúc lên hai mươi tuổi, con đã tự tử. Con đã bị hôn mê trong nhiều tháng và nằm bịnh viện khoảng một năm.
Chuyện này đã xảy ra cho con cách đây khoảng ba mươi năm. Con đã làm đủ cách để chữa trị vết thương trong con nhưng vẫn không thể chữa trị được. Và cuối cùng con mất hết niềm tin tưởng vào đời sống, nơi con người.
Con luôn luôn sống với tâm hành khổ đau của con, con không sống bằng trái tim. Trong khóa tu, mỗi khi sinh hoạt với một nhóm người con cứ muốn gào lên.
Thưa Thầy, làm thế nào để có thể chấp nhận tình thương trong cuộc sống? Làm sao để thiết lập lại đức tin trong cuộc sống?"
Và câu trả lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khiến cho con người ta thức tỉnh
Nhiều người trong chúng ta mang một đứa bé bị thương ở trong mình. Nhưng chỉ vì chúng ta quá bận rộn, không có thì giờ để trở về chăm sóc đứa bé bị thương tích trong ta và giúp cho đứa bé ấy được trị liệu.
Thời gian cứ thế trôi qua khiến thương tích đó trở nên sâu đậm như là một đứa bé. Trong ta mất hết niềm tin, tình thương và càng khó hơn khi tiếp nhận tình thương của người khác.
Vì vậy, mỗi chúng ta phải có động lực, chấp nhận những đau khổ ấy, hãy tự sắp xếp đời sống hàng ngày của mình một cách khéo léo để có thì giờ trở về với chính mình và chăm sóc đứa bé bị thương tích của bản thân. Đây là sự thực tập hết sức quan trọng.
Nhiều người trong chúng ta biết rằng ta có một đứa bé bị thương trong lòng, nhưng ta rất sợ trở về đối diện với đứa bé bị thương ấy. Bởi khối sầu khổ trong ta quá lớn, nó chiếm hết tâm tư của mỗi người nên trong suy nghĩ mỗi người thường muốn trốn chạy chính hiện thực, chính bản thân. Có thể hướng tiêu thụ, rượu chè, bận rộn v.v..
Nhưng thực sự, chúng ta nên trở về với ngôi nhà của chính mình và tập chăm sóc đứa bé bị thương tích ấy. Dù vẫn biết đây là một việc khó làm.
Nếu trong tâm ta trị liệu được đứa bé bị thương ấy, thì ta sẽ tha thứ được người đã lạm dụng ta, đã từng làm cho ta bị điêu đứng, sầu khổ. Nếu ta chấp nhận hiểu biết và thương yêu cho đứa bé bị thương trong ta, thì bản thân ta sẽ bớt khổ thật nhiều.