Vào thời nhà Thanh - Trung Quốc, mọi cô gái con nhà quý tộc, có vai vế nếu muốn lấy chồng đều phải bó chân gót sen. Từ 5-10 tuổi, các cô gái sẽ bắt đầu quy trình bó chân của mình, trước khi xương bàn chân được phát triển hoàn thiện thì việc bó chân sẽ thực hiện dễ dàng hơn. Việc này thường được thực hiện vào mùa đông vì bàn chân của các cô gái sẽ tê lạnh, giúp giảm đi sự đau đớn.
Các ngón chân được cắt càng sát càng tốt để tránh phát triển sau này. Sau đó, người ta sẽ bó các ngón chân, cuộn tròn dưới bàn chân bằng cách ấn mạnh, từng ngón một, thậm chí xương vòm chân bị bẻ gãy. Sau đó người ta dùng khăn quấn thật chặt chân trong vải, cho đến khi thành hình dạng hoa sen mong muốn. Phương pháp này khiến đôi bàn chân chảy máu, cực kỳ đau đớn.
Việc bó chân sẽ mang đến sự đau đớn và khổ sở suốt đời cho các bé gái. Phụ nữ bị bó chân rất dễ bị ngã và gây ra nhiều tai nạn khác. Thực tế cho thấy phụ nữ bị bó chân đã bị tàn tật lâu dài, chịu nỗi đau đớn suốt cuộc đời.
Bàn chân phụ nữ chính là bộ phận rất riêng tư ngay cả chồng của họ cũng không được thấy. Thậm chí, sau khi kết hôn dù có thể thấy hầu hết cơ thể thì đôi bàn chân của vợ dường như cũng là cấm kỵ.
Tập tục này đã bị cấm vào năm 1911. Tuy nhiên, tục bó chân gót sen vẫn tiếp tục ở các vùng nông thôn Trung Quốc tới khoảng năm 1939 mới dừng hoàn toàn. Tới thời đại ngày nay, những người phụ nữ Trung Quốc với đôi chân bị bó cuối cùng đang dần biến mất.
Hiện nay, quan niệm về thời trang và vẻ ngoài của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều so với thời xưa. Phụ nữ hiện đại đã không còn chịu sự gò bó trong khuôn khổ hay quy tắc. Họ thoải mái khoe ra bàn chân xinh đẹp của mình mà không phải sợ những lời gièm pha, chỉ trích từ mọi người.