Nói cách khác, nếu hỏi ai là quân tử, thì chính là người khi gặp chuyện liền chịu thiệt; nếu hỏi ai là tiểu nhân, chính là kẻ gặp chuyện liền hám lợi.
Chúng ta đã nghe rất nhiều đạo lý để phân biệt rõ kẻ tiểu nhân, vậy mà vẫn có lúc tranh đấu với họ. Trong cuộc sống cũng như thế, làm rõ sai trái thì dễ, trừng phạt cái ác đề cao cái thiện mới khó.
Ảnh minh họa
Với kẻ ác, người sợ nhưng trời không sợ
Tiểu nhân thì cũng là trời đất sinh ra, trông mong bọn họ tự nhiên biến mất chăng? Điều đó là không thể. Như vậy chẳng lẽ cứ tranh cãi với bọn họ cho đến cùng ‘bên sứt càng bên gãy gọng’, như thế mà là sáng suốt hay sao? Tất nhiên là không phải rồi!
Đối với tiểu nhân thì biện pháp tốt nhất là: Không chấp nhặt với họ. Mọi người thường hay nói đùa: “Bị chó cắn cũng không thể cắn lại được”.
Cũng đạo lý đó, khi bị tiểu nhân ghen ghét, nếu chúng ta cũng làm y như họ, như vậy thì chúng ta có khác gì là tiểu nhân đâu? Tục ngữ nói: “Quân tử không đấu với tiểu nhân, kẻ ác tất có kẻ ác trị”.
Tiểu nhân mà nham hiểm, cũng luôn có người có thể trừng trị bọn họ. Tiểu nhân mà giảo hoạt, cũng chạy không thoát được sự ràng buộc của pháp luật, sự lên án của đạo đức. Bởi thế mới có câu vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sự tình trên đời, vốn là do luật nhân quả điều khiển.
Với người thiện, người khinh nhưng trời chẳng khinh
Quân tử vì sao “đấu không lại” tiểu nhân? Là vì: Quân tử ở ngoài sáng, tiểu nhân ở trong tối; quân tử nói đạo lý, tiểu nhân ngụy biện; quân tử lời nói đi đối với việc làm, tiểu nhân bằng mặt không bằng lòng; quân tử nghiêm khắc kiềm chế bản thân, tiểu nhân ám toán người khác; quân tử lấy đại cục làm trọng, tiểu nhân vì việc tư mà làm hỏng việc công; quân tử làm đến nơi đến chốn, tiểu nhân làm giả dối; quân tử bụng dạ thẳng thắn, tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi.
Tục ngữ nói: “Con ruồi không đậu trên một quả trứng còn nguyên”. Quân tử giữ mình đoan chính, đó là đi cho chính, ngồi cho ngay thẳng. Cúi đầu và ngẩng đầu không thẹn với trời, việc làm suy nghĩ không thẹn với lương tâm.
Trước mặt bậc chính nhân quân tử, tiểu nhân không giở được thủ đoạn nào cả, căn bản là không có đất để dụng võ. Bởi vậy nhìn thì thấy người tốt chịu thiệt, thực tế là đạo trời công bằng, đã có luân hồi.