Vụ thi thể khỏa thân trong bao tải: Nghi can ác nhân từng mua dâm với "công suất" 3 lần/ngày
Xung quanh thông tin bắt được nghi phạm gây ra vụ cô gái chết lõa thể trong bao tải vứt ở ngôi nhà hoang thuộc xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, sáng 10/2, tại cơ quan công an, đối tượng Huỳnh Ngọc Phương (31 tuổi, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) đã có những lời khai ban đầu.
Theo đó, hơn một tháng trước Tết, Phương nhiều lần tới quán cà phê nơi chị Trần Thị Thanh Hoàn (tên thường gọi là Hồng, 34 tuổi, ngụ TP.HCM) làm việc để uống cà phê rồi thỏa thuận mua bán dâm. Sau khi thỏa thuận cả hai hẹn về phòng để quan hệ.
Chiều 1/2 (tức ngày mồng 5 Tết), Phương điện cho chị Hoàn tới phòng trọ mà Phương thuê để chơi và thỏa thuận mua bán dâm như những lần trước với giá 350.000 đồng. Sau khi quan hệ xong, chị Hoàn đi tắm. Lúc này Phương nảy sinh ý định cướp tài sản. Phương lấy 1 ông týp sắt dài khoảng 80cm chuẩn bị tư thế sát hại nạn nhân.
Khi tắm xong, chị Hoàn vừa bước ra cửa phòng tắm thì Phương dùng ống tuýp đánh vào cổ khiến chị gục xuống nền nhà. Để cô gái không thể la hét Phương tiếp tục dùng ống tuýp đánh liên tiếp vào đầu. Khi thấy chị Hoàn nằm bất động, Phương đã cướp chiếc xe máy và lục bóp chị Hoàn lấy 120.000 đồng đi uống cà phê với bạn.
Đến rạng sáng ngày hôm sau (6/2) Phương về phòng vẫn thấy chị Hoàn thở. Lúc này kẻ sát nhân lấy 1 cuộn băng keo dán quấn từ miệng lên mũi và quấn luôn lên đầu rồi xuống cổ khiến nạn nhân tử vong.
Để tránh bị phát hiện, Phương bỏ xác nạn nhân vào 2 bao tải rồi chở đến khu vực ấp 1 (xã Phước Bình, huyện Long Thành) cách phòng trọ khoảng 10km để vứt xác phi tang. Xong việc, Phương mang xe và điện thoại của nạn nhân đi cầm lấy hơn 10 triệu đồng rồi đi làm như không có chuyện gì xảy ra.
Đến chiều 6/2, thi thể nạn nhân được người dân phát hiện. Lúc này Phương bắt đầu nghe râm ran vụ việc người dân phát hiện bao tải đựng xác chị Hoàn nên ngày nào Phương cũng lên mạng xem tin tức.
Cũng tại cơ quan Công an Phương khai nhận, dù đã có hai vợ 2 con nhưng do tính thích “của lạ” nên toàn bộ tiền lương hàng tháng y dùng mua dâm hết và không có đồng nào đưa về cho vợ con. Thông thường, hắn thường mua dâm với tần suất 3 ngày một lần. Ngoài mua dâm chị Hoàn thì Phương cũng đã từng mua dâm với một số nhân viên cà phê khác khu vực.
Trong khi đó về phía nạn nhân, được biết gia đình chị Hoàn nghèo khó, chị phải đi làm ăn xa và theo nhiều người bạn, chị Hoàn có mối quan hệ tình cảm phức tạp. Hiện đang thuê trọ sống với 1 thanh niên nhưng có quan hệ qua lại với 1 số thanh niên khác.
Trước khi xảy ra sự việc chị Hoàn làm việc tại quán cà phê Lưu Luyến đóng trên địa bàn xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng thời cũng ở trọ ở khu vực quán cà phê trên.
“Hoàn mới làm tại quán cà phê Lưu Luyến được khoảng hơn 1 tháng. Hằng ngày Hoàn cùng những người bạn làm cùng đến quán cà phê làm việc bắt đầu từ khoảng 18h và kết thúc 11h đêm. Trong quá trình làm việc, Hoàn quen một số người bạn trai”, một người dân sống cạnh quán cà phê Lưu Luyến nói.
0 giờ ngày mai sẽ chuyển đổi mã vùng điện thoại của 13 tỉnh, thành
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 11/2, sẽ có 13 tỉnh thành phố chính thức chuyển mã vùng điện thoại cố định.
Các tỉnh, thành có tên trong đợt chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định lần này gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp viễn thông cho biết, tất cả công tác chuẩn bị cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại 13 địa phương trên đã hoàn tất, đảm bảo việc chuyển đổi được thuận lợi, không gây xáo trộn trong xã hội, coi trọng quyền lợi của người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Từ cuối 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông. Sau đó, Bộ đã vào cuộc nghiêm túc để triển khai quy hoạch này mà một trong những nội dung quan trọng là đổi mã vùng. Lãnh đạo Bộ, Cục Viễn thông đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông như: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT Telecom, CMC, Gtel, Vietnamobile, Đông Dương Telecom... để rà soát cụ thể, đảm bảo cho việc đổi mã vùng điện thoại cố định diễn ra đúng lộ trình. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng điều chỉnh kho số sau khoảng 10-15 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện có gần 4,5 triệu thuệ bao điện thoại cố định, chiếm 90% thị phần tại Việt Nam. Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết cho biết: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị của VNPT đã sẵn sàng để chuyển đổi giai đoạn 1. Trước đó, VNPT đã hoàn thành 5 đợt thử nghiệm chuyển đổi lần lượt vào các ngày 16/12, 23/12, 27/12 năm 2016; ngày 6/1 và 21/1 năm 2017.
Sau khi hệ thống mã vùng mới đi vào hoạt động, trong tháng đầu tiên, hai mã vùng mới và cũ được sử dụng song song, khách hàng vẫn thực hiện được cuộc gọi khi quay mã vùng cũ. Sau một tháng, nếu khách hàng vẫn gọi theo mã vùng cũ sẽ được thông báo về mã vùng mới cùng hướng dẫn gọi theo mã vùng mới. Ông Tô Mạnh Cường khẳng định: Cách làm này của VNPT sẽ đảm bảo không gây gián đoạn việc thông tin liên lạc của người dùng trong quá trình chuyển đổi.
Sơn La là một trong 13 địa phương thực hiện chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trong giai đoạn 1. Trong thời gian qua, VNPT Sơn La đã tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi mã vùng trên các phương tiên thông tin đại chúng, qua trang điện tử của VNPT Sơn La, qua tổng đài, các đầu mối chăm sóc khách hàng, điểm giao dịch. Đơn vị cũng triển khai nhắn tin thông báo cho toàn bộ khách hàng sử dụng thuê bao di động một tuần trước khi triển khai chuyển đổi để đảm bảo mọi người nắm được thông tin.
Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc Viễn thông VNPT Đà Nẵng: Đà Nẵng có khoảng 70.000 thuê bao điện thoại đang hoạt động. Các cuộc gọi quan trọng, khách hàng thường chọn điện thoại cố định để kết nối, dù theo xu hướng công nghệ, người dùng có thể chọn điện thoại di động và các dịch vụ trên nền mạng internet để liên lạc nhiều hơn. Ông Nguyễn Nho Túy tin tưởng rằng dù có chút bất tiện nhất định khi đổi mã vùng, nhưng khách hàng sẽ nhanh chóng bắt nhịp với mã vùng mới.
Lộ trình chuyển đổi mã vùng được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 11/2, áp dụng cho 13 tỉnh/thành phố, gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Giai đoạn 2 từ ngày 15/4 áp dụng cho 23 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.
Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 17/6, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.
Mã vùng của bốn tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng sẽ kết thúc vào 31/8/2017.
Án mạng sau cuộc vui 'uống rượu đầu năm'
Sau khi hai nhóm thanh niên uống rượu đầu năm thì xảy ra mâu thuẫn, ẩu đả, đánh nhau, khiến một thanh niên bị đâm chết và một người khác bị đâm thủng phổi.
Ngày 10-2, cơ quan Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) đang phối hợp cùng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Nghệ An điều tra vụ án mạng, truy bắt nghi can đâm chết anh Trần Văn Phương (23 tuổi, trú xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành).
Trước đó, đêm 9-2, anh Trương Đình Thắng (24 tuổi, ở xóm 9, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) mời hai nhóm bạn ở huyện Yên Thành và thị xã Thái Hòa đến nhà anh vui "uống rượu đầu năm". Tại đây, cả hai nhóm thanh niên uống nhiều rượu rồi rủ nhau ra về.
Khi đi về trên tuyến đường 537 (gần quán karaoke, thuộc địa phận xã Thọ Thành) thì hai nhóm thanh niên xảy ra mâu thuẫn, thách thức, chửi nhau rồi xô xát. Anh Phương bị đâm gục tại chỗ. Còn anh Lê Văn Tài (24 tuổi, trú cùng xóm với anh Phương) bị đâm thủng phổi.
Mọi người đưa anh Phương và anh Tài đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng anh Phương đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Còn anh Tài hiện được cấp cứu tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Ngay sau khi xảy ra vụ án mạng trên, Công an huyện Yên Thành, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An có mặt khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và lấy lời khai những người liên quan.
Hiện PC45, Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Yên Thành đang triệu tập nhóm thanh niên ở thị xã Thái Hòa và ở huyện Yên Thành phục vụ điều tra, truy bắt nghi can.
Nhiều bệnh viện ghi nhận bệnh nhân mắc thủy đậu
Theo ghi nhận tại các bệnh viện (BV) như: BV Bạch Mai, BV Nhi TW, BV E, BV Việt Nam- Cu Ba… hiện đã có nhiều trường hợp khám, nhập viện vì bệnh thủy đậu. Tại phía Nam, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 cũng cho biết đã ghi nhận một số trường hợp bị thủy đậu nhập viện.
Chủ quan khi mắc thủy đậu: Đã có bệnh nhân phải thở ôxy
Theo TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), phòng khám bệnh truyền nhiễm của bệnh viện mỗi ngày có từ 3-4 ca thủy đậu đến khám, tuy nhiên đa phần các ca bệnh nhẹ và điều trị ngoại trú. Đặc biệt có một số trường hợp nặng biến chứng khi nhập viện như bệnh nhân có thai, bệnh nhân bị bội nhiễm nốt phỏng. Đặc biệt hiện tại khoa có một trường hợp bệnh nhân nam, trung tuổi, do chủ quan dẫn đến bệnh nặng, khi vào viện đã gây biến chứng viêm phổi và đang phải thở ôxy…
Tại BV E, trong một tháng trở lại đây, các bác sỹ của bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu. Điều đặc biệt là có khá nhiều trường hợp người lớn mắc bệnh phải nhập viện.
Thống kê của Khoa Nhi (BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 8/2, đã ghi nhận 72 bệnh nhân (từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi) bị mắc thủy đậu.
Tại BV Nhi TW, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu. Đặc biệt, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.
Xuất hiện tình trạng người lớn bị thủy đậu lây sang trẻ
BS.Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, bệnh thủy đậu đang bắt đầu vào mùa tại các đại phương ở phía Nam. Sau Tết là giai đoạn vào mùa của bệnh này và có nguy cơ lây lan lên đỉnh điểm từ tháng 2 đến tháng 5 mới có dấu hiệu đi xuống. Hiện nay, đang xảy ra tình trạng người lớn lây bệnh cho trẻ.
Cũng theo BS.Khanh, chỉ riêng tại Khoa Nhiễm- Thần kinh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 24 ca bị nhiễm thủy đậu, một số ca rất nặng. Các bác sĩ hiện đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhi chỉ mới 20 ngày tuổi bị mắc thủy đậu nặng do mẹ của bé bị nhiễm rồi lây sang con.
Khi mắc thủy đậu: Không tắm gốc rạ, lá tre hay kiêng thức ăn
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa Đông Xuân.Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí.
Theo TS Đỗ Duy Cường, bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
“Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi”- TS Cường nói.
Còn BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: Cộng đồng cần chú ý, khi mắc thủy đậu không nên làm theo các kinh nghiệm dân gian, truyền miệng như kiêng tắm, kiêng gió, tắm gốc rạ, lá tre hay kiêng bất kỳ loại thức ăn nào. Đây hoàn toàn là những ý kiến rất phản khoa học, vì dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng nặng hơn cho người bị thủy đậu. Đối với người mắc thủy đậu, thực ra mụn nước lên càng ít chứng tỏ sức đề kháng của người đó cao. Còn quan niệm cho mụn trổ càng nhiều thì càng mau khỏi là hoàn toàn sai.
Miền Bắc có thể xuất hiện băng giá, Mẫu Sơn rét 2 độ C
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ngày hôm nay (10/2), vùng núi cao ở Bắc Bộ nhiệt độ giảm xuống dưới 5 độ C, Mẫu Sơn giảm còn 2 độ C. Những khu vực độ cao trên 1.500m trong 1-2 ngày tới khả năng xuất hiện băng giá, nhưng không xảy ra trên diện rộng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, không khí lạnh cường độ mạnh liên tiếp tăng cường khiến nhiệt độ miền Bắc tiếp tục giảm sâu. Sáng nay đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 2 độ C; tại Sa Pa (Lào Cai) chỉ 4 độ C. Các nơi khác chịu mức nhiệt thấp dưới 7 độ C như Đồng Văn (Hà Giang) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 6 độ C.
So với cùng thời điểm hôm qua, sáng nay nhiệt độ Hà Nội giảm 2 độ C, ba trạm ghi nhận mức 14 độ C là Sơn Tây, Ba Vì, Hoài Đức. Còn Láng và Hà Đông 15 độ C. Đến trưa trời có thể hửng nắng nhưng mức nhiệt cao nhất trong ngày không quá 20 độ C.
Sau khi tác động tới Bắc Bộ, từ trưa qua không khí lạnh đã tràn xuống khu vực miền Trung, khiến nhiệt giảm mạnh, chỉ còn 15-17 độ C, riêng Bái Thượng (Thanh Hóa) 14 độ C.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, hôm nay và những ngày tới Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục chịu tác động của khối khí cường độ mạnh, nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng phổ biến 13-16 độ C, trung du vùng núi 9-12 độ C, vùng núi cao dưới 8 độ C.
Ngoài ra, hiện nay (10/02), do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9.
Dự báo, trong ngày và đêm nay ở khu vực vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao bồm cả phía Tây vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Sóng biển cao từ 2,0-3,0m.