Tin phụ nữ 21/2: Ghen tuông, cụ ông U70 đánh người tình mù một mắt

21:30, Thứ ba 21/02/2017

( PHUNUTODAY ) - Ngày 21/2, TAND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Vũ (66 tuổi, ngụ ấp Tân Quới Đông, xã Trường An, TP Vĩnh Long) 5 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

Ghen tuông, cụ ông U70 đánh người tình mù một mắt

Theo cáo trạng truy tố, năm 2012, Trần Văn Vũ (66 tuổi, ngụ ấp Tân Quới Đông, xã Trường An, TP Vĩnh Long), làm nghề chạy xe ôm ở TP Vĩnh Long, quen biết và thường xuyên qua lại với bà Huỳnh Thị L. (59 tuổi, ngụ ấp Hòa Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ).

Khoảng 15 giờ 30 ngày 19/6/2016, Vũ điều khiển xe máy đến nhà bà L nhưng không gặp nên Vũ quay xe đến nhà người bạn gần đó, chờ bà L đi chợ về.

ghen-tuong-1-1704-phunutoday

 Bị cáo Trần Văn Vũ. 

Khoảng hơn một giờ sau, Vũ quay lại nhà bà L và thấy một người đàn ông lạ bước ra, theo sau là bà L mang theo giỏ xách. Thấy vậy cơn ghen nổi lên, Vũ đã kéo tay bà L rồi đấm vào ngực bà này. Lúc này, người đàn ông đi cùng bà L chạy đến can ngăn cũng bị Vũ đấm vào mặt nên người này đã bỏ chạy ra ngoài đường.

Chưa dừng lại ở đó, Vũ tiếp tục lấy cây lau nhà bằng kim loại gần đó, đánh vào vai bà L. Bà L bỏ chạy, Vũ tiếp tục đuổi theo giật túi xách của bà L rồi đánh trúng mắt trái khiến nạn nhân gục xuống.

Thấy vậy, Vũ vứt bỏ cây lau nhà rồi đem túi xách của bà L về nhà cất. Về phía bà L, được mọi người đưa vào viện cấp cứu, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do nhãn cầu mắt trái bị tổn thương nên phải bỏ và lắp mắt giả, tỷ lệ thương tật là 51%.

Đến ngày 23/6/2016, Vũ đem túi xách giật của bà L. đến Công an xã Hòa Ninh giao nộp và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/2, HĐXX nhận định đây là vụ án nghiêm trọng cần phải có bản án thích đáng để răng đe nên đã tuyên phạt Trần Văn Vũ 5 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” theo Khoản 3, Điều 104 Bộ luật hình sự.

Theo cáo trạng, dù đã có vợ con đề huề nhưng từ năm 2012, Vũ có quan hệ bất chính với bà L.

Đề nghị kỷ luật về Đảng với nguyên Hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên

Ngày 21.2, UBND Quận Cầu Giấy đã có báo cáo gửi Thường trực Quận ủy, đề nghị xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương.

co-hieu-truong-gian-doi-2

Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên. 

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Trường tiểu học Nam Trung Yên, sau khi kết thúc cuộc họp giao ban báo chí chiều 21.2, ông Trần Xuân Hà – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tiếp tục trao đổi với phóng viên. Ông Hà nhận định vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên là “rất đau xót”.

Theo ông Hà: “Đây là vụ việc được dư luận hết sức quan tâm, lãnh đạo Thành phố cũng nhiều lần có ý kiến chỉ đạo làm rõ, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, làm việc nghiêm túc. Sáng nay, UBND Quận Cầu Giấy đã công bố kết quả xử lý nghiêm minh đó là cách chức cả Hiệu trưởng và Hiệu phó nhà trường”.

“Việc xử lý kỷ luật với bà Ngọc và bà Hương vẫn chưa dừng lại”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định.

“Quận Cầu Giấy đã đề nghị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, còn về mặt pháp luật cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục tiến hành. Lãnh đạo Thành phố Hà Nội khẳng định không dung túng, không bao che cho những vi phạm như vậy” – ông Hà nói.

Ông Trần Xuân Hà cũng đề nghị các cơ quan báo chí và dư luận chung tay cùng Thành phố để sớm ổn định tình hình hoạt động tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, không làm méo mó hình ảnh tốt đẹp của người giáo viên.

Cùng ngày, UBND Quận Cầu Giấy đã công bố quyết định cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương. Ngoài ra, UBND Quận Cầu Giấy đã có báo cáo gửi Thường trực Quận ủy, đề nghị xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương.

Trước đó, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã xác định ngày 1.12.2016, bà Tạ Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Hương gọi taxi đưa bà Ngọc đi khám tại Bệnh viện Việt Đức. Cơ quan điều tra xác định việc cho xe ô tô taxi biển kiểm soát số 30A-70254 do ông Trần Quốc Tuấn điều khiển đi vào sân trường trong giờ ra chơi của các cháu học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên và gây tai nạn là có thật. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Nhưng sau khi sự việc xảy ra, bà Ngọc và bà Hương đã có hành vi không trung thực trong khai báo, có biểu hiện che giấu vi phạm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo tài liệu của UBND quận Cầu Giấy, liên quan đến vụ việc trên Hiệu trưởng Tạ Bích Ngọc và Phó hiệu trưởng Nguyễn Thu Hương luôn chối tội, thiếu thành khẩn, quanh co, che giấu bản chất sự thật.

Biển lửa bao trùm vựa phế liệu ở quận 9 trong nhiều giờ

Lửa bùng phát dữ dội liên tục trên 3 giờ đồng hồ bao trùm một vựa phế liệu ở quận 9, TP.HCM chiều ngày 21-2.

chay-lon-quan-9-vua-phe-lieu

 Cháy ở vựa phế liệu cuối đường Lò Lu (quận 9, TP.HCM), khói lửa bao trùm khu vực.

Thông tin ban đầu, khoảng 14 giờ chiều ngày 21-2, nhiều người sống cạnh vựa phế liệu cuối đường Lò Lu (phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM) phát hiện khói lửa xuất phát từ khu vực để nhiều vật liệu dễ cháy nên hô hoán, kêu cứu. Trong lúc đó, những người bên trong vựa phế liệu nháo nhào bỏ chạy ra ngoài.

Nhiều người cố gắng huy động biện pháp cứu hỏa tại chỗ nhưng bất thành, khói lửa nhanh chóng lan rộng. Do khu vực vựa phế liệu rộng gần 1.000 mét vuông chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên việc dập lửa tại chỗ gặp không ít khó khăn.

Lực lượng cảnh sát PCCC điều động nhiều phương tiện cùng các cán bộ chiến sĩ nhanh chóng có mặt tiến hành tiếp cận khống chế hỏa hoạn. Trong lúc đó lửa vẫn cháy dữ dội, cột khói bốc cao hàng trăm mét.

Do khu vực bị cháy nằm sâu trong bãi đất trống, đường hẹp lại không có trụ nước cứu hỏa; lửa gặp các vật liệu dễ cháy nên vừa xịt nước vào lại bùng lên dữ dội. Cảnh sát PCCC phải chia nhiều mũi tiếp cận nhiều hướng. khoảng 3 xe múc được huy động để hỗ trợ đập tường, múc đất dập lửa.

Đến khoảng 18 giờ chiều, hỏa hoạn vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Hàng trăm mét vuông trong vựa phế liệu đã bị lửa thiêu rụi.

Theo một số người dân, hỏa hoạn bùng phát lúc một số nhân công đang hàn xì gần khu vực để phế liệu.

Vụ tai nạn tàu hỏa ở Huế: Thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân

Ngày 21/2, tại Thừa Thiên-Huế, có mặt hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, thông tuyến chạy tàu, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên-Huế.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đã đến thăm, chia sẻ nỗi đau với gia đình Phó trưởng tàu SE2 tại nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa Huế, thắp nén hương lên bàn thờ trước giờ đưa linh cữu nạn nhân về quê Yên Bái. Nhận được tin dữ, chị Phạm Thị Bích Hồng (sinh năm 1984, quê Yên Bái) - vợ anh Phượng, cùng chị Hồng (chị gái anh Phượng) đi máy bay từ Hà Nội vào hiện trường. Các chị cho biết, anh Phượng theo nghiệp đường sắt của bố mẹ.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ, anh Phượng tử nạn khi đang làm nhiệm vụ với tinh thần, nhiệt huyết cao cho công việc. Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau, tiếp tục cuộc sống, chăm lo cho các cháu. Ông Khuất Việt Hùng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng ngành đường sắt chăm lo đời sống, chính sách tốt nhất cho gia đình anh Phượng, hỗ trợ gia đình vượt qua nỗi đau thương này.

Theo lãnh đạo Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (đơn vị quản lý trực tiếp của Phó tàu tử nạn), anh Phượng là cán bộ mẫu mực, tận tâm trong công việc. Đây là mất mát lớn đối với gia đình và đơn vị. Trưởng tàu SE2 Vũ Thanh Minh cho biết anh Phượng là người hiền lành, chuyên tâm với công việc, đoàn kết cùng anh em. Bản thân anh Phượng có 10 năm kinh nghiệm Phó tàu phụ trách an toàn, trong đó có 6 năm gắn bó trên các chuyến tàu với anh Minh.

Cùng ngày, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác đến thăm viếng, hỗ trợ tại các gia đình tài xế xe ben Lê Bá Dũng (sinh năm 1976) và phụ xe Lê Văn Tuấn (sinh năm 1984) cùng trú phường Thủy Phương, Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) đã tử vong trong vụ tai nạn nghiêm trọng này. Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ hơn ai hết, chúng ta phải luôn ý thức, trách nhiệm giữ gìn, đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình và mọi người, để không còn những nỗi tang thương như thế này.

Với các gia đình có nạn nhân tử vong, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hỗ trợ 5 triệu đồng/người, Ban An toàn giao thông Thừa Thiên-Huế và thị xã Hương Thủy hỗ trợ 6 triệu đồng/người (3 triệu đồng/đơn vị/người), Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội hỗ trợ 5 triệu đồng/người.

Sở Y tế: BV Trí Đức không sai phạm vụ bệnh nhân tử vong

Ngày 21/2, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội đã họp và chính thức công bố nguyên nhân khiến hai bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Trí Đức là sốc phản vệ.

Hai bệnh nhân tử vong là Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1982) và Quách Thị Mai Ph. (sinh năm 1979). Thành phần Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc gồm 10 người, do bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Buổi họp còn có sự tham gia của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên trong 2 kíp thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân trước đó.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn kết luận quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê trong 2 ca bệnh trên tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, các bệnh nhân có được khám trước gây mê, lâm sàng và cận lâm sàng. Monitoring phù hợp trong phòng mổ, các thuốc dùng đủ, đúng liều theo trình tự.

Bệnh viện có phương tiện máy móc theo dõi bệnh nhân. Các thuốc sử dụng hợp lý, đúng liều. Bệnh nhân được bóp bóng khi khởi mê và cấp cứu. Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả 2 trường hợp bệnh nhân.

Về quy trình cấp cứu khi các bệnh nhân có diễn biến xấu, Hội đồng chuyên môn kết luận bệnh nhân đã được phát hiện sớm diễn biến nặng và xử trí cấp cứu kịp thời bằng các biện pháp cấp cứu như: thuốc, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, sử dụng tiêm và truyền adrenalin đúng theo hướng dẫn cấp cứu sốc phản vệ.

Việc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý. Các thuốc được sử dụng cho cả 2 người bệnh (ghi trong hồ sơ bệnh án của 2 người bệnh) là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê.

Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn cũng nhận định, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ.

Với các thông tin trên, Sở Y tế Hà Nội chẩn đoán nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức là suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, dẫn đến sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh).

Về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của Bệnh viện Trí Đức do chưa có đủ thông tin nên Hội đồng chuyên môn chưa có đủ cơ sở để kết luận.

'Thi thể phụ nữ mất tay chân': Nghi can tự tử

Liên quan đến vụ thi thể một phụ nữ mất tích được tìm thấy không nguyên vẹn, Cơ quan điều tra phát hiện nhiều trang sức, vật dụng của nạn nhân trong nhà một nghi can vừa tự tử.

Ngày 21.1, liên quan vụ đến vụ chị Lê Thị Lệ Xuân (49 tuổi, trú thôn 6, xã Cuôr Knia, H.Buôn Đôn, Đắk Lắk) mất tích một tuần sau mới tìm thấy thi thể không nguyên vẹn, đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết cơ quan chức năng đã khám xét nhà của nghi can N.V.K (24 tuổi, trú thôn 12, xã Cuôr Knia).

Qua khám xét, lực lượng chức năng phát hiện bông tai, dây chuyền vàng trang sức, cùng một số vật dụng như dép, mũ bảo hiểm, sổ ghi chép mua bán… của nạn nhân được giấu trong nhà của K.

Công an cũng xác minh vào ngày chị Xuân mất tích, số điện thoại gọi đến người phụ nữ này để trao đổi việc mua bán tiêu là của K. thường sử dụng.

Tuy nhiên, đại tá Bôn cũng cho biết khi công an mời K. lên làm việc vì nghi liên quan đến vụ mất tích của chị Xuân thì người này uống thuốc diệt cỏ tự tử tại nhà vào tối 19.2.

“Hiện cơ quan công an đang tiếp tục tìm kiếm phần còn lại của thi thể nạn nhân và mở rộng điều tra để củng cố chứng cứ của vụ án”, đại tá Bôn nói.

Như Thanh Niên đã thông tin, trưa 13.2, chị Xuân (làm nghề thu mua nông sản) đang ở nhà thì có người gọi điện thoại cho biết muốn bán tiêu, chị liền đi xe máy đến khu vực thôn 11 cùng xã để mua tiêu.

Sau khi ra khỏi nhà, chị Xuân mất tích. Người nhà trình báo cơ quan chức năng và tổ chức tìm kiếm khắp vùng. Xe máy của chị Xuân sau đó được tìm thấy tại một tiệm sửa xe cách nhà nạn nhân khoảng 2 km, nhưng chưa xác định được người đem tới sửa.

Đến chiều 20.2, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể chị Xuân chỉ có phần đầu và thân, không còn tay, chân trong một bao tải mắc bên bờ suối thuộc địa bàn xã Ea Mnang, H.Cư Mgar.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên