Đại biểu Hòa nói rằng, ông băn khoăn về dự thảo nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 trong điều 2, khoản 4 về việc cho phép Chính phủ thu cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước.
Theo người đứng đầu ngành than, 19 năm qua kể từ khi thành lập TKV, từ chỗ với vốn điều lệ của nhà nước giao là hơn 4000 tỷ với sản lượng ban đầu là 4 triệu tấn than, đến nay TKV đã sản xuất ra được một lượng than hơn 40 triệu tấn và nâng vốn chủ sở hữu lên gần 35.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TKV còn hỗ trợ cho các ngành khác bằng việc bán 20 năm liền sản phẩm than dưới giá thành rất xa.
Đại biểu Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). |
"Chúng tôi hiện nay vẫn đang hiểu rằng Chính phủ trình và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thông qua để thu cả những phần lợi nhuận dành cho đầu tư ở các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Bây giờ lại thu lại phần này sẽ làm cho vấn đề phát triển của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn...", ông Hòa nói.
Vẫn theo ông Hòa, năm nay, TKV dự kiến khai thác 42 triệu tấn than, 2015 theo kế hoạch là phải đảm bảo 50 triệu, 2020 là 60 triệu và 2025 là 65 triệu tấn than. Hàng loạt dự án lớn đều đang "nhìn" hết vào nguồn than này, chẳng hạn nhà máy điện ở Nghệ An 1.200 MW, nhà máy điện ở Hải Phòng 2.400 MW, tổ hợp luyện kim sắt Thạch Khê, các dự án ở Tây Nguyên, dự án mở rộng gấp đôi lần công suất nhà máy đồng ở Lào Cai, nhà máy sản xuất Nitrat amon ở Thái Bình...
"Với những dự án như vậy thì kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt cho chúng tôi là hàng năm tập đoàn phải đầu tư vào đó khoảng độ 36.000 - 40.000 tỷ đồng. TKV phải có vốn đối ứng, nếu chỉ 20% thôi thì đã là 8.000 tỷ đồng", ông Hòa nói.
Và nhấn mạnh: "Với dự kiến bình quân lãi suất lợi nhuận hàng năm để lại thì chưa đáp ứng được 10%, bây giờ Chính phủ lại thu lại thì tiếp theo ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các dự án đã được Chính phủ phê duyệt, thực hiện đúng tiến độ. Cho nên tôi đề nghị điểm đó không nên đưa vào trong dự thảo này hoặc có chăng nữa thì cũng phải giải thích rõ những đơn vị nào đã có kế hoạch được nhà nước giao thì không nên thu".
Trước đó, các ý kiến của Chủ tịch TKV về kế hoạch phát hành trái phiếu cũng rất đáng chú ý. Theo ông, về thẩm quyền quyết định danh mục cụ thể và mức bổ sung cho từng dự án thì không nên bó hẹp trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà nên đưa ra cuộc họp chung của toàn Quốc hội.
"Bởi vì đây là một khoản rất lớn, hơn nữa 18 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo rất nhiều chuyên ngành khác nhau, nên về lĩnh vực kinh tế này thì tôi nghĩ chúng ta cần phải tận dụng cả 500 bộ óc của Quốc hội, sẽ chuẩn xác hơn", ông nhấn mạnh.
Quả thật, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã rất biết chọn thời gian và địa điểm để giãi bày nỗi khó khăn.
Từ trước đến nay có rất nhiều người cho rằng có lẽ trong các ngành kinh tế ngành than, khoáng sản là làm ăn thuận lợi và dễ dàng nhất. Này nhé, khoáng sản thì sẵn có ở trong lòng đất, TKV chỉ có mỗi việc đào lên mà bán, dễ như ăn cháo còn gì. Thế cho nên khi doanh nghiệp kêu khó, kêu khổ đã có không ít người ngỡ ngàng, thắc mắc. Và cũng chỉ được nghe kêu thì người ta mới biết rằng TKV cứ miệt mài đào than đi bán, đào cật lực, bán cật lực mà mãi chẳng được lời gì.
Trong tình hình khó khăn như vậy, Chính phủ và Quốc hội lại đang đặc biệt lo lắng về tình hình giảm thu ngân sách, việc TKV lựa chọn Quốc Hội là nơi đăng đàn để kêu ca và tỏ ra lo ngại cho hàng loạt dự án lớn đang trông đợi vào nguồn than do TKV cung cấp khiến không ít người cho rằng tập đoàn này đang "dọa" Nhà nước.
Rất dễ hiểu là biết bao nhiêu dự án trông vào ngành than như vậy mà nếu bây giờ TKV gặp khó khăn, sản xuất không theo đúng dự kiến thì việc các dự án không đảm bảo tiến độ là khó tránh khỏi. Thế cho nên, sau khi Quốc Hội đã nghe hết những khó khăn của ngành thì cũng cần phải biết đường mà tính toán cho hợp lý.
Kể cũng lạ, việc doanh nghiệp không ngần ngại dọa Nhà nước như trên đâu phải là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Trước đó Petrolimex cũng đã khiến dư luận xôn xao khi lên tiếng 'hờn dỗi và dọa dẫm' Nhà nước. Và người ta đã bắt đầu lo ngại đến tình trạng gọi là 'hội chứng hờn dỗi và dọa dẫm' của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
Theo đó, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimnex cho biết ông cảm thấy quá mệt mỏi. Ông nói rằng: "Thực sự tôi không muốn nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức doanh nghiệp được hưởng là như thế. Tôi thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải thích".
Khỏi phải nói, dư luận đã lo ngại thế nào khi Petrolimex dọa thoái vốn. Với thị phần của Petrolimex trên thị trường lên đến 50%, nếu Petrolimex mệt mỏi thì người dân tha hồ mà dắt bộ bao nhiêu km nếu không may hết xăng giữa đường.
Ấy thế nhưng mà có lo lắng thì cũng đâu giải quyết được gì. Nếu các doanh nghiệp đã cảm thấy mệt mỏi, chán nản thì người dân cũng đừng ép. Rồi sẽ có những doanh nghiệp kinh doanh than hay xăng dầu gánh vác cùng công việc Petrolimex như Viettel, Vietnam Mobile đang gánh thị trường viễn thông cùng VNPT bây giờ. Đó chính là hậu quả của việc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam làm mình làm mẩy với người tiêu dùng năm nào. Và kết quả là người dân Việt Nam hiện nay đang sử dụng dịch vụ viễn thông với mức giá rất cạnh tranh so với mặt bằng thế giới.