1. Những hậu quả ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần khi trẻ nghiện điện thoại
Hạn chế thời gian sử dụng điện thoại ở trẻ chính là cách giúp trẻ cai nghiện điện thoại thành công. Thực tế, phụ huynh đều thấy rõ trong những năm gần đây, xu hướng con người sử dụng điện thoại ngày càng nhiều đặc biệt đối với trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ ngày càng tăng cao.
Kết quả khảo sát tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa, Giáo dục và Đời sống xã hội cho biết có tới 78% trẻ tại Việt Nam ở độ tuổi dưới 6 tuổi ở thành thị đã được tiếp cận với các thiết bị điện thoại và trẻ có khoảng thời gian sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử kéo dài từ 30 phút cho đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Hầu hết, các bậc phụ huynh đều cho rằng cho trẻ sử dụng điện thoại là một cách khiến trẻ không cần dỗ vẫn có thể ngồi yên và không làm phiền tới người lớn.
Ngoài việc sử dụng điện thoại đem lại lợi ích giúp trẻ tiếp cận với các xu hướng hiện đại, học tập và vui chơi phù hợp thì sử dụng điện thoại đến mức nghiện điện thoại hay thiếu kiểm soát lại trở thành nỗi lo lắng của các phụ huynh có con nhỏ. Thực tế cho thấy, khi trẻ nghiện điện thoại thì những hậu quả về tinh thần hay thể chất đều trở nên nghiêm trọng.
- Đối với thể chất, trẻ nghiện điện thoại không thích vận động và đây là lý do tạo điều kiện khiến trẻ dễ bị béo phì hay mắc các bệnh về tim mạch.
- Về tinh thần, trẻ nghiện điện thoại sẽ khiến trẻ xao nhãng học tập. Thậm chí còn có thể gây ra nhiều hệ lụy như trẻ bạo lực, chìm đắm vào thế giới ảo, ngại giao tiếp với mọi người trong cuộc sống. Chưa kể, khi phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại cũng là lý do khiến cho trẻ dễ mắc các bệnh về thị lực, giảm khả năng sáng tạo, tư duy.
2. Những cách hạn chế trẻ dùng điện thoại hiệu quả
Cha mẹ cần làm gương và mềm mỏng với trẻ
Trên thực tế, không chỉ có trẻ em mà tình trạng nghiện smartphone hầu như có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tất nhiên, vẫn không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể và cũng rất cần thiết như gọi điện, nhắn tin,... mà điện thoại đem lại cho người lớn chúng ta. Song, điều thiết yếu nhất nếu muốn con mình loại bỏ thói quen bám chặt với chiếc điện thoại suốt ngày thì bản thân bố mẹ phải là người "tiên phong" để làm gương cho trẻ. Sau khi trở về nhà, hãy tạm đặt chiếc điện thoại xuống và dành nhiều thời gian bên con hơn.
Ngoài ra, phương pháp dạy con cũng là một nhân tố rất quan trọng. Bạn nên nhớ rằng việc đột ngột giằng lấy điện thoại từ tay trẻ và la mắng chúng không hẳn là một cách hay. Ngược lại, trẻ còn có thể cảm thấy bị "ức chế” khi bị “tước đoạt” thú vui đang dở của mình.
Vì vậy, hãy thật kiên nhẫn và thử bắt chuyện với trẻ với những câu hỏi như “Con đang xem gì mà chăm chú thế?”, “Bộ phim có vẻ thú vị quá nhỉ? Cho mẹ xem cùng với nhé!” chẳng hạn. Sau đó, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con đã đến giờ tắm rửa, ăn cơm, học bài,... Bằng cách này, trẻ sẽ có sự chuẩn bị tâm lý trước nên sẽ tránh tình trạng khóc lóc hay ăn vạ.
Trò chuyện với trẻ về tác hại của việc nghiện điện thoại
Đôi khi con trẻ chỉ là đơn giản thấy những thứ hấp dẫn, tiêu khiển, mới lạ trên chiếc smartphone mà bị cuốn vào, từ đó dần hình thành nên chứng “nghiện điện thoại”. Các con còn quá ngây thơ để hiểu hết được rằng việc dùng điện thoại quá quá mức sẽ gây nên những hậu quả như thế nào.
Chính vì thế mà bản thân các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm trong việc giáo dục để con hiểu biết về những tác hại cơ bản đó. Vì vậy, hãy thử trò chuyện với con, chẳng hạn như cho con biết nếu sử dụng điện thoại không đúng cách thì có thể gây hại đến mắt, trí não và tinh thần như thế nào.
Thiết lập giới hạn thời gian sử dụng điện thoại
Hãy thử “thương lượng” với con bằng cách tạo ra nội quy mà con phải tuân thủ nếu như muốn sử dụng điện thoại. Ví dụ như bố mẹ có thể quy định cho con được phép dùng điện thoại trong vòng 1 tiếng mỗi ngày sau khi học bài xong, đặc biệt trong khoảng thời gian có thể quan sát và quản lý con.
Hết thời gian 1 tiếng đó, bố mẹ tuyệt đối phải thu lại điện thoại. Bên cạnh đó, cũng nên rèn cho con thói quen nói không với điện thoại trong giờ ăn, giờ học hay trong phòng tối. Thay vì cấm hoàn toàn, tại sao chúng ta không giúp con trở thành người dùng điện thoại một cách thông minh?
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thú vị, bổ ích bên ngoài
Đừng để chiếc điện thoại trở thành người bạn duy nhất hay là một “bảo mẫu” công nghệ số của trẻ. Hãy hướng trẻ ra ngoài và tham gia nhiều hoạt động bổ ích hơn.