Triều đại phong kiến chỉ tồn tại qua 2 đời vua rồi sụp đổ trong gang tấc

19:12, Chủ nhật 18/02/2024

( PHUNUTODAY ) - Bên cạnh các triều đại phong kiến tồn tại hàng trăm năm với nhiều đời vua thì cũng có những triều đại ngắn ngủi hơn 1 đời người.

Năm 581, Dương Kiên, thuộc tầng lớp quý tộc Hán, đã nắm quyền lực thông qua việc thanh trừng mạnh mẽ hoàng thất nhà Bắc Chu, loại bỏ mọi chướng ngại vật trên đường lên ngôi báu. Dương Kiên đã lật đổ Vũ Văn Xiển, vị vua cuối cùng của nhà Bắc Chu, và tự nhận danh hiệu hoàng đế, khai sinh ra triều đại mới - nhà Tùy. Bước vào năm 590, ông mở rộng chiến dịch quân sự xuống phía Nam, đánh bại vương quốc Trần, qua đó hoàn thành công cuộc thống nhất Trung Quốc, kết thúc gần ba thế kỷ tình trạng chia cắt, đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng và trật tự.

Tuỳ Văn đế

Từ cuối thời Tây Tấn đến thời đại Nam Bắc triều, Trung Quốc trải qua giai đoạn phân liệt, với sự cai trị của nhiều triều đại ở các khu vực khác nhau. Trong thời kỳ này, các tộc thiểu số phía bắc và phía Tây tiến vào Trung Nguyên, hòa nhập với dân tộc Hán và tạo nên một sự giao thoa văn hóa đa dạng.

Dân tộc Hán di cư về phía nam mang theo kỹ thuật sản xuất tiên tiến, góp phần phát triển kinh tế và xã hội cho khu vực này. Sự cần cù của người dân và sĩ phu đã biến miền Nam Trung Quốc trở thành một vùng đất trù phú.

Nắm bắt xu thế thống nhất, Tùy Văn đế Dương Kiên đã tiến hành chinh phạt nhà Trần ở phía nam, thống nhất Trung Quốc và lập nên vương triều Tùy lấy dân tộc Hán làm chủ.

Nhà Tùy tiếp tục thực hiện các cải cách về kinh tế và chính trị, củng cố nền thống trị mới, thúc đẩy sự phát triển của miền Bắc Trung Quốc và phục hồi sản xuất. Thế lực của nhà Tùy tăng lên nhanh chóng.

Năm 589, sau khi diệt triều Trần, nhà Tùy đã thực hiện hàng loạt chính sách ổn định xã hội, phát triển sản xuất. Tùy Văn đế trấn áp các thế lực phiến loạn, duy trì hòa hoãn với các quý tộc Tiên Ty, giải quyết mâu thuẫn giữa các tập đoàn thống trị.

Sự thống nhất dưới triều Tùy đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử Trung Quốc, mở ra thời kỳ Trinh Quán chi trị rực rỡ dưới triều Đường.

Trong kỳ đầu triều đại của mình, Tùy Văn đế đã tận dụng sự phát triển của nông nghiệp để cải thiện đời sống người dân. Ông phái các quan lại đi khắp nơi để kiểm kê và phân chia lại đất đai, đảm bảo rằng mọi người dân đều có đất canh tác. Ở những nơi đất đai khan hiếm, người dân được khích lệ khai hoang để mở rộng diện tích cày cấy, khiến sản lượng nông sản tăng lên đáng kể.

Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề lao động và tái phân phối đất đai, nhà Tùy còn tiến hành những cải cách quan trọng khác như bãi bỏ các quận và thiết lập các châu mới, cải tổ hệ thống pháp luật, trừng phạt quan lại tham nhũng, và xây dựng các kho dự trữ lương thực để hỗ trợ nhân dân trong những thời kỳ đói kém.

Với mục tiêu củng cố chính quyền trung ương và tăng cường sức mạnh kinh tế, nhà Tùy đã thực hiện nhiều biện pháp tiến bộ, được người dân hưởng ứng nhiệt tình, nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng đất nước.

Về mặt công nghiệp, triều đình Tùy chú trọng đến việc xây dựng và cải tiến hệ thống thủy lợi, như việc nối sông Hoàng Hà với sông Vị để tăng cường hệ thống tưới tiêu và thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Nhà Tùy cũng nhấn mạnh vào việc khẩn hoang đất mới và tăng dân số, với mục đích tăng cường nguồn lao động và bổ sung lực lượng cho quân đội, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh liên miên gây tổn thất nặng nề cho dân số.

Những thành tựu do nhân dân lao động tạo ra trước kia thường chỉ phục vụ cho tầng lớp thống trị, nhưng dưới triều Tùy, một phần của chúng đã được phân phối lại cho dân chúng. Điều này giúp nhà Tùy nhận được sự ủng hộ và tin tưởng từ nhân dân, góp phần củng cố vị thế của chính quyền.

Những tiến bộ này chỉ được duy trì trong thời gian Tùy Văn đế còn tại vị. Khi Tùy Dạng đế lên kế vị, những chính sách và cải cách tiến bộ đó đã không còn được thực hiện một cách hiệu quả.

Tuỳ Dạng đế

Năm 604, Dương Quảng lên kế vị vua cha, lấy niên hiệu là Đại Nghiệp. Nhờ sự cần mẫn của Tùy Văn đế, vương triều Tùy lúc này tích lũy được nhiều của cải. Tuy nhiên, Tùy Dạng đế lại đi ngược chính sách của cha, cai trị tàn bạo, bóc lột nhân dân, đồng thời liên tục tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược.

Hành động hoang phí của Tùy Dạng đế là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tùy. Ông bỏ ra nhiều tiền của để xây dựng kinh đô Lạc Dương nguy nga tráng lệ, bắt dân lên rừng xuống biển tìm kiếm thú quý, cá đẹp, cây lạ để tô điểm cho vườn Ngự Uyển. Thậm chí, ông còn bắt dân tìm hàng triệu con đom đóm để thay cho ánh đèn, tạo nên cảnh tượng kỳ ảo trong vườn.

Bên cạnh đó, Tùy Dạng đế còn phát động các cuộc chiến tranh xâm lược Cao Câu Ly nhưng đều thất bại thảm hại. Bao nhiêu sức người sức của mà Tùy Văn đế dày công vun đắp đã bị Tùy Dạng đế hủy hoại, khiến cơ nghiệp nhà Tùy dần tan rã

Dưới ách áp bức bóc lột nặng nề, người dân không còn đường sống, buộc phải nổi dậy chống lại triều đình ở khắp nơi. Năm 616, Tùy Dạng đế vẫn ngoan cố, bất chấp các cuộc khởi nghĩa của nông dân, tiếp tục tuần du xuống Giang Đô. Khi thuyền rồng của ông chưa đến nơi, đường quay về phía bắc đã bị cắt đứt. Năm 617, Tùy Dạng đế bị thống lĩnh Cấm vệ quân Vũ Văn Hóa Cập sát hại, chấm dứt triều đại Tùy chỉ sau 38 năm tồn tại.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy