Hiến nội tạng để cứu gia đình thoát nợ nần
Ngày 8/4, trong căn nhà vách lá trống trước hở sau nằm cạnh đường bêtông ở ấp 7, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), anh Danh Lang, còn gọi là Lâm (32 tuổi) nằm nhăn nhó vì lưng đau âm ỉ. Vùng bụng bên trái có dấu hiệu bất ổn ở khu vực phẫu thuật cắt một quả thận "hiến" cho người đàn ông không quen biết ở TP HCM cách nay hơn 2 năm.
Anh Lang kể, sau 2 tuần đắn đo suy nghĩ mới quyết định "hiến" thận cho một người đàn ông không quen biết để lấy 100 triệu đồng trả nợ vì quá nghèo. Ảnh: Ái Nam.
Nhà nghèo, 9 năm trước anh cưới chị Sang khi cả hai chỉ có bàn tay trắng. Cứ nghĩ vay tiền cưới vợ sẽ có điều kiện trả sớm nhờ chí thú tìm việc làm thuê nhưng 2 đứa con lần lượt ra đời khiến vợ chồng anh Lang nợ hàng xóm gần 50 triệu đồng mà không sao trả nổi.
Nửa năm dắt díu vợ con lên Bình Dương làm thuê cho một cơ sở chế biến hạt điều, một lần về muộn tình cờ anh gặp lại người quen cùng quê là ông Phú Anh (trên 40 tuổi). Lúc hỏi thăm công việc của nhau, anh Lang thật thà kể chuyện nợ nần. Như lửa gặp phải cành cây khô, ông Anh liền rủ cậu em hàng xóm đi "cứu người" để được đền ơn bằng khoản tiền 100 triệu đồng.
"Ông Anh nói từng qua Trung Quốc hiến thận mà không ảnh hưởng sức khỏe. Về nhà trọ tôi kể với vợ, cô ấy nạt ngang không đồng ý vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Suốt nửa tháng, tôi luôn đấu tranh tư tưởng rồi quyết định nhận lời ông Anh bằng cách nói dối vợ rằng cơ sở hạt điều hết hàng nên phải qua TP HCM tìm việc mới", anh Lang kể và cho biết một mình theo ông Anh sang quận 5, TP HCM gặp thanh niên chừng 35 tuổi, quê Tây Ninh.
Gặp người này, anh Lang được đề nghị đưa chứng minh nhân dân kèm sổ hộ khẩu. Sau đó, anh được chở đến bệnh viện mà anh không biết đó là bệnh viện nào ở TP HCM để khám tổng quát, làm các xét nghiệm liên quan đến máu, nước tiểu. Rời bệnh viện với thông báo sức khỏe đảm bảo hiến thận, anh được thanh niên này thuê nhà trọ cho ở một mình và đưa vài triệu đồng với lời dặn giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ, không được rượu bia, chờ ngày phẫu thuật.
"Hai tuần sau tôi được thanh niên đó đến chở vô bệnh viện. Vào phòng gây mê, khoảng 3 giờ sau tôi tỉnh lại thì biết mình bị cắt mất quả thận vì dưới bụng bên trái đau ê ẩm", anh Lang nhớ lại.
"Vết mổ đã lành nhưng bên trong còn đau âm ỉ. Nếu biết thế này cho tôi tiền tỷ cũng không hiến thận", anh Tranh nói. Ảnh: Ái Nam.
Hơn 1 tuần nằm phục hồi sức khỏe, anh Lang được một phụ nữ chăm sóc nhưng không biết tên tuổi. Trước ngày xuất viện, thanh niên được cho là môi giới "hiến thận" trực tiếp đưa anh Lang 100 triệu đồng.
"Vừa nhận tiền là ông Anh lấy 5 triệu, mượn thêm 15 triệu đồng nhưng đến nay chưa trả hết và ở biệt trên TP HCM. Cùng hiến thận với tôi và được thanh niên quê Tây Ninh trả 100 triệu đồng là một thanh niên 26 tuổi tên Thanh, quê An Giang. Cậu ấy nói với tôi xét nghiệm xong phải chờ 1 năm mới có người thích hợp để ghép thận. Giờ biết ảnh hưởng sức khỏe, tôi hối hận lắm", anh Lang cho biết thêm.
Cầm 80 triệu đồng cùng vợ con quay về quê, từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Lang không dám làm việc nặng gần một năm liền. Sau khi trả nợ 50 triệu đồng, còn lại ít tiền anh đầu tư đàn heo hơn 10 con. Cứ tưởng lần này sẽ thoát nghèo nhưng đàn heo xuất chuồng đúng thời điểm rớt giá khiến gia đình nghèo này tiếp tục lâm cảnh nợ nần vì lỗ vốn. Hai người có thêm đứa con thứ 3, người chồng phải ra đồng vác lúa, bón phân thuê với tiền công 50.000 đồng mỗi ngày. Mấy ngày nay anh Lang trở đau, ra đồng không nổi đành nằm nhà giữ con. Người vợ, mỗi ngày đi phơi lúa thuê chỉ được 40.000 đồng.
Cùng cảnh nghèo, anh Hồ Văn Tranh ở ấp 6, xã Thạnh Phú đã chấp nhận cắt một quả thận, được cho là để ghép cho một đại úy công an ở TP HCM. Theo anh Tranh, người nhận thận là ân nhân đã giúp mình tìm được chân phụ hồ trong những ngày mưu sinh ở Sài Gòn. Trước khi ghép thận, 2 bên đến văn phòng công chứng ký giấy cam kết không khiếu nại về sau và anh Tranh nhận được 120 triệu đồng sau ca phẫu thuật cách nay hơn 3 tháng.
Theo anh Tranh, vết mổ đã lành nhưng bên trong vẫn còn đau thốn khiến việc đi lại gặp khó khăn. Số tiền nhận được anh đã trả xong nợ hơn 100 triệu đồng, còn lại chút ít quay về quê cất căn nhà nhỏ ven đường, trên phần đất chị ruột mới cho.
"Lúc cần tiền tôi đã làm liều, nay hối hận vô cùng khi biết mình trở thành người ăn bám vợ vì không làm được việc gì. Sáng nay cầm cây búa lên đóng đinh mà không được vì tay run cầm cập, bụng đau âm ỉ. Nếu biết thế này cho tôi tiền tỷ cũng không hiến thận", anh Tranh chia sẻ.
Sau khi trả hết nợ, anh Tranh còn một ít tiền về quê cất căn nhà nhỏ trên phần đất chị ruột cho. Ảnh: Ái Nam.
Trao đổi với PV, ông Võ Hải Triều, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thạnh Phú cho biết, xã nằm xa trung tâm TP Cần Thơ và giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Nơi đây trước là Nông trường Cờ Đỏ, nay là Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ. Cuộc sống của người dân địa phương không nhiều khó khăn nhưng đã có 5 người ở 3 ấp đi hiến thận và cơ quan chức năng chỉ biết cách đây 3 tháng. Ngoài anh Tranh và anh Lang, có một người tên Giỏi đến xã làm thủ tục hiến thận nhưng chính quyền không xác nhận do không biết người nhận thận là ai. Hiện thanh niên này không có mặt tại địa phương.
"Pháp luật không cấm người dân hiến thận và những người cho thận đã gặp người môi giới, người nhận thận ở TP HCM nên địa phương khó phát hiện để tìm cách tư vấn, ngăn chặn. Từ khi phát hiện nhiều người hiến thận, địa phương đang tích cực tuyên truyền khắp các xóm ấp để bà con nâng cao ý thức", ông Triều nói.
Mới đây, ngày 5/4, trong báo cáo gửi Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Công an huyện Cờ Đỏ cho biết đã điều tra, xác định có 8 trường hợp đi hiến thận để nhận mỗi người 120 triệu đồng. Đặc biệt, có đến 5 người trong một gia đình đã đi hiến thận.
Theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác thì "những công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình. Bộ luật Hình sự không quy định tội danh liên quan việc này. Với 8 trường hợp hiến thận xác định được, họ lập hồ sơ, thủ tục tự nguyện hiến tặng thận nên không vi phạm pháp luật.
"Công an chưa phát hiện trường hợp nào vận động bán thận để hưởng hoa hồng hoặc liên quan đến tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, việc mất đi một quả thận để lại tình trạng sức khoẻ yếu kém, không còn khả năng lao động. Công an cùng chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân", người đứng đầu Công an huyện Cờ Đỏ cho biết.
Bán thận để… thoát nghèo: Công an vào cuộc
Ngày ông Tranh mang tiền hiến thận từ TP HCM về trả nợ, bà Nguyễn Thị Chỉ (mẹ ông Tranh) khóc mãi. “Nếu biết, tôi đã cản nó rồi. Bây giờ nó yếu lắm, làm cái gì nặng cũng không nổi, tay chân cứ run” - bà Chỉ xót xa.
Nói về hậu quả của việc hiến thận lấy tiền, ông Tranh buồn bã: “Giờ được chọn, tôi thà đi làm trả nợ còn hơn. Thế nên tôi cũng không dám xúi ai đi bán thận cả”. Cuộc sống của ông Tranh bây giờ phụ thuộc chủ yếu vào người vợ đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Cách đây 2 năm, anh Danh Lang cũng ngụ ấp 6 vì nhà nghèo, đông con nên đã bán thận thông qua “cò” với giá 150 triệu đồng. “Tôi trả cho “cò” 5 triệu đồng. Mọi giấy tờ họ lo hết, tôi chỉ đi theo và làm theo những gì họ chỉ” - anh Danh Lang cho hay.
Hiện nay, sức khỏe của anh Danh Lang ngày càng sa sút. Anh đã tiêu xài hết tiền, gia đình đang có nguy cơ mắc nợ vì phải chạy tiền lo chữa các bệnh phát sinh từ việc anh mất 1 quả thận.
Không chỉ riêng ở ấp 6 mà các ấp khác của xã Thạnh Phú cũng có nhiều người hiến thận lấy tiền nhưng giấu không cho chính quyền biết. Trước tình trạng này, ngày 8-4, Công an huyện Cờ Đỏ đã vào cuộc điều tra có hay không đường dây dụ dỗ người dân ở huyện đi bán thận.
Ông Lê Tấn Thủ, Bí thư Huyện ủy Cờ Đỏ, khẳng định huyện sẽ xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thận. Tuy nhiên, ông Thủ cho rằng rất khó bắt các đối tượng này vì những người bán thận đều được vận động viết giấy hiến tặng.
Theo xác nhận của chính quyền xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, trong 2 năm qua đã có hàng chục người làm đơn xin hiến thận. Đa phần họ là những người nghèo, nợ nần chồng chất và không có khả năng trả nợ.
Cũng theo ông Thủ, lãnh đạo huyện đã nghe cán bộ xã báo cáo về thông tin có đối tượng xuống địa bàn dụ dỗ người dân đi bán thận. “Tôi đã cho lực lượng công an ngay lập tức vào cuộc điều tra, nếu đúng như những gì người dân thông tin sẽ xử lý nghiêm đối tượng trước pháp luật. Cái khó ở đây là các “cò thận” vận động người dân viết đơn hiến thận cho người thân” - ông Thủ nói.
Theo thống kê của xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, có 5 người ở ấp 2, 6 và 7 bán thận, hiện đều gặp vấn đề về sức khỏe. Trước sự việc nghiêm trọng, công an đang điều tra để xử lý người môi giới nhưng chưa có kết quả. Nguyên nhân là người môi giới ở nơi khác đến, vận động dân viết đơn hiến thận chứ không phải bán.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế:
Nhiều rắc rối sau khi bán thận
Pháp luật Việt Nam quy định cấm mua bán thận. Việc hiến thận chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cứu người, giảng dạy cũng như nghiên cứu. Mỗi con người sinh ra đều có 2 quả thận, nếu mất đi 1 quả chắc chắn sức khỏe sẽ ảnh hưởng. Hơn nữa, cũng không loại trừ nếu người đã hiến 1 quả thận rồi nhưng quả kia sau này bị hỏng thì người hiến bị thiệt hại. Trong tình huống này, người hiến thận sẽ đòi lại quả thận hoặc “xin” thêm tiền… Những vấn đề hậu “hiến thận” như thế này sẽ rất khó giải quyết.
Vì những lý do trên mà thế giới chưa có quốc gia nào công khai cho phép việc mua bán thận mặc dù nhu cầu ghép tạng là rất lớn và ghép tạng hiện được xem là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.
Xưa nay việc hiến thận thường là người thân trong gia đình, họ hàng; còn khi đã vượt khỏi những đối tượng này thì không loại trừ đó là một cuộc mua bán. Chính vì thế, với những người cho, hiến, tặng, ngoài những thủ tục pháp lý cần thiết thì ngay tại bệnh viện - nơi thực hiện lấy ghép tạng - cũng có một hội đồng tư vấn trên cơ thể người sống để đánh giá việc hiến ghép này có thật hay không.