Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm các quan chức địa phương sử dụng các loại rượu đắt tiền và đồ cao lương mỹ vị trong các bữa tiệc, buộc các “công bộc” ở quận Baishun, tỉnh Quảng Đông phải tự tổ chức nấu rượu gạo đãi khách. Sau đó, quân ủy trung ương Trung Quốc tiếp tục ra lệnh cấm tổ chức các bữa tiệc tiếp tân xa hoa với rượu ngoại, thảm đỏ, lẵng hoa hay các đội danh dự đối với quan chức cấp cao của quân đội.
Năm nay, danh sách những điều cấm kỵ đối với các viên chức chính phủ nước này lại càng dài ra khi bánh trung thu được liệt vào dạng “hàng cấm mua, cho, tặng”.
Những chiếc bánh trung thu được làm bằng vàng khối ở Trung Quốc |
Một tháng trước khi diễn ra lễ hội Trung thu thường niên vào tháng 8 âm lịch, nhà chức trách Trung Quốc vừa tuyên bố cấm các quan chức nước này mua bánh trung thu, một món đặc sản không thể thiếu trong dịp lễ hội truyền thống này, cũng như tặng quà hay tổ chức đãi tiệc bằng tiền công quỹ.
Theo truyền thống, vào dịp Trung thu các thành viên trong gia đình hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hay tặng nhau (và được tặng lại) bánh trung thu để góp thêm hương vị cho mâm cỗ đêm trăng rằm. Tuy nhiên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng món quà trao tặng đầy lịch sự này một khi bị lạm dụng sẽ trở thành một hình thức lãng phí ghê gớm.
Ngày xưa, chiếc bánh trung thu truyền thống thường được làm với các loại nhân rất phong phú, từ đậu đỏ cho tới trứng muối. Tuy nhiên, ngày nay chiếc bánh trung thu đã bị biến tướng đi đến mức khó có thể nhận ra. Một số loại bánh trung thu hiện nay được làm bằng vàng khối, trong khi những chiếc khác được bọc bằng lụa trắng thuần khiết.
Những chiếc bánh trung thu xa xỉ như vậy đã trở nên thịnh hành trong phong trào “bong bóng bánh trung thu” ở Trung Quốc, từ khi chính phủ nước này đề xuất vào năm 2011 rằng công nhân trả thuế thu nhập cá nhân dựa trên giá trị những chiếc bánh trung thu mà các ông chủ tặng cho họ.
Với bản chất là một món quà trao đi đổi lại, từ lâu bánh trung thu đã được người Trung Quốc coi là một phương tiện rất thuận lợi cho hành vi tham nhũng. Nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Trung Quốc cũng đã chỉ trích “mùa gặt” bánh trung thu ở nước này và kêu ca rằng hình thức quá ư cầu kỳ của những chiếc bánh trung thu này là sự lãng phí rất lớn.
Sự lãng phí này nghiêm trọng đến mức chính phủ Trung Quốc đã từng ra một điều luật cấm các sản phẩm được bọc gói quá cầu kỳ. Theo điều luật này, mỗi món đồ, chẳng hạn như hộp bánh trung thu, sẽ không được gói quá 3 lớp, và chi phí cho việc gói quà không được vượt quá 15% giá bán của sản phẩm.
Tuy nhiên, những khách hàng “nhanh nhạy” ở Trung Quốc vẫn tìm ra cách lách luật bằng cách ngụy trang bánh trung thu trong những chiếc hộp lộng lẫy với nhãn hiệu là hộp rượu vang hoặc hộp trà cùng nhiều hình thức bọc gói bánh trung thu cầu kỳ và tốn kém khác.
Chiến dịch “cấm bánh trung thu” lần này của chính phủ Trung Quốc là một phần trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận đối với tệ tham nhũng trong các quan chức nhà nước, được biểu hiện bằng những bữa tiệc xa hoa và những món đồ hàng hiệu xa xỉ như đồng hồ và các món đắt tiền khác.
Tờ Nhân dân Nhật báo coi động thái cấm bánh trung thu lần này của chính phủ như một nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc giáo dục các đảng viên về sự nguy hại của “Bốn cơn gió độc” gồm chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và xa hoa lãng phí.
Tuy nhiên, các cư dân mạng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lại tỏ ra không mấy ấn tượng lắm với chủ trương mới mẻ này. Một người viết: “Cả hệ thống vẫn không thay đổi, những chuyện tầm phào này không giúp được gì hết.”
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng dường như Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhầm đối tượng trong quy định này bởi trên thực tế các quan chức thường không mua các loại bánh đắt tiền mà chủ yếu là cấp dưới, những người muốn nhờ giúp đỡ, cảm ơn... mua và biếu quan chức. Vì vậy, nếu chính phủ muốn quy định này phát huy tác dụng trong việc chống tiêu cực, xa hoa lãng phí thì cần cấm cả những người bình thường mua biếu quan chức.
Khi những thông tin về quy định cấm quan chức mua bánh Trung Thu ở Trung Quốc được đăng tải trên báo chí và các diễn đàn, trang mạng xã hội, ở Việt Nam cũng xuất hiện không ít ý kiến cho rằng Việt Nam nên học Trung Quốc có luật cấm này.
Bánh trung thu rồng mạ vàng gây ấn tượng |
Trên thực tế ở nước ta hiện nay, những loại bánh trung thu đắt tiền đang xuất hiện đầy rẫy trên thị trường. Theo báo điện tử VTC News, năm nay loại bánh trung thu đắt nhất là dòng sản phẩm Vương Kim Tri Ngộ có giá niêm yết 11.998.000 đồng của khách sạn Hà Nội.
Bên cạnh đó bánh trung thu dát vàng của Sofitel Plaza cũng gây ấn tượng mạnh về sự xa hoa, sang trọng dù có giá chỉ hơn phân nửa Vương Kim Tri Ngộ loại đắt nhất. Sofitel Plaza tung hai sản phẩm hộp bánh rồng phủ vàng 24K và cá chép phủ vàng 24K. Giá mỗi hộp bánh rồng (gồm 4 hoặc 8 chiếc tùy chọn) có giá gần 6,5 triệu đồng, trong khi giá hộp cá chép là gần 3,5 triệu đồng.
Những loại bánh đi kèm rượu của các khách sạn, nhà hàng, thương hiệu hạng sang cũng có giá dao động từ 2-4 triệu đồng cũng được nhiều người mua làm quà biếu.
Trong hoàn cảnh này, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần có những biện pháp cứng rắn như Trung Quốc ban hành luật cấm để hạn chế việc người dân sử dụng bánh trung thu như sản phẩm để hối lộ, phát triển lối sống xa hoa, lãng phí.