Trung Quốc hạ thủy tàu Hải giám tuần tra vịnh Bắc Bộ

10:14, Thứ bảy 15/06/2013

( PHUNUTODAY ) -

Theo Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, vừa qua công ty TNHH đóng tàu Quế Giang đã hạ thủy thành công tàu Hải Giám 1118 cho tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là tàu thuộc lớp 1000 tấn, là tàu chấp pháp tổng hợp lớn nhất của tỉnh Quảng Tây hiện nay. Sau khi đưa vào sử dụng tàu sẽ có nhiệm vụ tiến hành duy trì chấp pháp ở khu vực vịnh Bắc Bộ.

Hải Giám 1118 sẽ là một trong 3 tàu hải giám lớn nhất của tỉnh Quảng Tây hiện nay
Hải Giám 1118 sẽ là một trong 3 tàu hải giám lớn nhất của tỉnh Quảng Tây hiện nay



Được biết, tàu được trang bị tiên tiến, có chiều dài 76 mét, rộng 11,5 mét, lượng giãn nước 1330 tấn, tốc độ tối đa 20 hải lý/ giờ, hành trình liên tục 5000 hải lý. Tàu Hải Giám 1118 là một trong 3 tàu chấp pháp lớp trên 1000 tấn của tỉnh Quảng Tây hiện nay.

Dự kiến sau 3 tháng tiến hành chạy thử nghiệm, đến tháng 9 năm nay tàu này sẽ được đưa vào biên chế chính thức. Sau khi đưa vào sử dụng, tàu sẽ nâng cao khả năng duy trì chấp pháp hải dương tổng hợp của đội ngũ Hải giám tỉnh Quảng Tây ở khu vực biển vịnh Bắc Bộ trong việc tuần tra, xử lý có hiệu quả đối với hoạt động vi phạm trên biển, hoạt động làm ảnh hưởng tới môi trường và nguồn tài nguyên biển, bảo đảm hoạt động đánh bắt cá và bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc trên biển.

Cũng theo Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, ngày 14/6 biên đội 3 tàu Hải giám của Trung Quốc gồm Hải Giám 51, 23, 49 đã lên đường, tiếp tục tới tuần tra ở khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc tiết tục triển khai tàu Hải giám ở khu vực này trong thời gian vừa qua đã chứng tỏ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong việc quyết tâm khẳng định chủ quyền ở đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Trung Quốc tiếp tục triển khai 3 tàu Hải giám tới khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư
Trung Quốc tiếp tục triển khai 3 tàu Hải giám tới khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư


Bờ Vịnh Bắc Bộ thuộc 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 763 km và bờ biển thuộc hai tỉnh Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc với tổng chiều dài khoảng 695 km.

Ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, kết thúc cuộc đàm phán kéo dài chín năm giữa hai nước.

Hai bên thống nhất một đường phân định với 21 điểm kéo dài từ cửa sông Bắc Luân ra đến Cửa Vịnh phía Nam, trong đó từ điểm 1 đến điểm 9 là biên giới lãnh hải, từ điểm 9 đến điểm 21 là ranh giới chung cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Theo Hiệp định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh và Trung Quốc được hưởng 46,77% diện tích Vịnh.

Trong Hiệp định, hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ.

Theo đó, mỗi bên tự chủ tiến hành việc thăm dò, khai thác một cách độc lập các tài nguyên khoáng sản trong phạm vi thềm lục địa của mình. Ðối với những cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản  khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác.

Ngoài ra, Hiệp định cũng quy định về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trong Vịnh Bắc Bộ cũng như hợp tác có liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước.

Trong một diễn biến khác, tờ Philstar ngày 13/6 đưa tin, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề của Không quân năm 2013 tại thành phố Pasay. Phó tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Philippines, ông Vicente Agdamag cho biết, khoảng 18 tàu Hải giám Trung Quốc đang xâm nhập trái phép "lãnh thổ Philippines", việc triển khai các tàu này của Trung Quốc là nhằm mục tiêu củng cố hoạt động kiểm soát phi pháp đối với Biển Đông.

"Ngay bây giờ có 18 tàu Hải giám Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của Philippines", ông Agdamag nhấn mạnh.
 

  • Gia Nghĩa
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc