Bảo vệ người tiêu dùng) – Trung Quốc liên tiếp phá các đường dây làm thịt giả, thịt bẩn, sản phẩm chứa hóa chất độc hại, trong khi hàng hóa Trung Quốc vẫn nhập lậu tràn lan vào Việt Nam.
[links()]
Tờ NLĐ dẫn tin theo tờ China Daily xác nhận, Bộ Công an Trung Quốc (TQ) đã khởi động chiến dịch truy quét tội phạm về thực phẩm trong tháng 1/2013, trong vòng 3 tháng qua, cảnh sát nước này đã phá hơn 2.000 vụ, bắt giữ gần 3.600 người liên can. Trong số đó có hơn 900 người bị cáo buộc đã sản xuất và bán 20.000 tấn sản phẩm thịt hư, thịt kém phẩm chất.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã giải tán hơn 1.700 xí nghiệp, phân xưởng và văn phòng làm việc trái phép, đồng thời triệt phá hơn 300 mạng lưới tội phạm liên khu vực liên quan đến an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc đã giải quyết gần 400 vụ liên quan đến sản xuất và chế biến thịt bơm nước, thịt bò và thịt cừu giả, thịt thối và sản phẩm thịt nhiễm độc.
Thị trường thịt ở Trung Quốc đang chao đảo vì liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: AP. |
Bộ Công an nhấn mạnh rằng vấn đề không chỉ là những phân xưởng “đen” quy mô nhỏ, điều kiện vệ sinh kém, mà các xí nghiệp “đen” quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận sản xuất thịt cũng vướng vào các tội ác như trên. Chẳng hạn, một số nghi can đã bán thịt bơm nước hoặc thịt thối, thậm chí thêm các hóa chất độc hại bị cấm vào để làm cho thịt trông tươi ngon. Với các vụ việc gây xôn xao dư luận như, 16.000 xác heo chết được vớt lên từ sông Hoàng Phố (Thượng Hải), dịch cúm gia cầm H7N9 đang đe dọa tính mạng người dân Trung Quốc, một nhà cung cấp thịt gà ở miền Trung Trung Quốc bị nghi bán gà bệnh cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng KFC và McDonald’s…
Đáng sợ hơn cả, một đối tượng đã kiếm được hơn 1 triệu USD trong 4 năm qua bằng cách làm giả thịt cừu từ thịt cáo, thịt chồn, thịt chuột được xử lý bằng chất gelamin, chất carmine tạo màu đỏ và nitrat, sau đó đem bán tại các chợ ở tỉnh Giang Tô và thành phố Thượng Hải. Nhà chức trách đã ập vào cơ sở của y, bắt giữ 63 người, tịch thu 10 tấn thịt và chất phụ gia.
Tại Việt Nam, suốt những năm qua đã nói rất nhiều tới hàng hóa nhập lậu không đảm bảo chất lượng, chứa nhiều chất độc hại, mà phần lớn những hàng hóa này được nhập qua đường tiểu ngạch từ biên giới phía Bắc.
Nóng nhất thời gian qua là câu chuyện gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, mèo nhập lậu, và mới nhất là tới ếch, cá tầm, cá trê… nhập lậu từ Trung Quốc không qua kiểm dịch.
Còn tại các chợ của Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc cũng tràn ngập, từ các loại đồ gia dụng, tới quần áo, bánh kẹo…với đủ loại nhái, giả. Những sản phẩm này đều được nhập về qua đường tiểu ngạch, không được kiểm tra, kiểm định độ an toàn.
Nhiều vụ việc thịt lợn, trâu, bò… Trung Quốc bốc mùi được ngâm hóa chất nhập về từ biến giới phía Bắc cũng đã bị phát hiện, bắt giữ, tiêu hủy. Những loại thịt kém chất lượng, đã thối rữa này được ngâm hóa chất để tẩy mùi, tạo màu làm sao thịt như thịt còn tươi, sau đó được tuồn vào các nhà hàng, quán ăn để tiêu thụ.
Cuối năm 2012, các bậc phụ huynh được phen lo lắng khi con em họ “nghiện” món thịt hổ khô, với giá chỉ 2.000 đồng/gói được bán tràn lan tại cổng trường. Khi báo chí đưa tin, cơ quan chức năng Việt Nam vào cuộc, thì xác định đó chỉ là thịt lợn được ướp háo chất tạo màu, mùi, vị… của Trung Quốc và nhập lậu về Việt Nam.
Phía Trung Quốc tăng cường xử lý tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn, hàng nhái, giả… chắc chắn một lượng hàng kém chất lượng lớn sẽ được các đối tượng phạm tội tìm cách tẩu tán, xuất lậu ra nước ngoài tiêu thụ, đặc biệt những nước có đường biên giới chung, như Việt Nam.
- P.V (tổng hợp)