Nhiều người vẫn nghĩ, được biên chế trong đơn vị hành chính nhà nước là có công việc ổn định và không lo thất nghiệp. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm, có một số trường hợp, công chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc, đó là những trường hợp nào?
Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
Theo Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:
+ Đối với cán bộ
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Cách chức.
- Bãi nhiệm.
+ Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Hạ bậc lương.
- Buộc thôi việc.
+ Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Giáng chức.
- Cách chức.
- Buộc thôi việc.
Trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Căn cứ tại Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức.
Theo đó, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp 1: Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
+ Trường hợp 2: Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
+ Trường hợp 3: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Trường hợp 4: Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
+ Trường hợp 5: Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Khoản 3 Điều 9 quy định: Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
Ngoài ra, theo Điều 29 Nghị định 19/2020/NĐ-CP thì đối với những công chức làm trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây:
- Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính;
- Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào công chức vi phạm trong khi xử phạt hành chính sẽ bị buộc thôi việc mà tùy mức độ, tính chất và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, công chức có thể phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi.