Điều 24, Thông tư 15 quy định những chiếc xe máy đã được bán qua nhiều người, nếu không tìm được chủ xe, người sử dụng vẫn có thể ra công an phường xác nhận theo mẫu đơn quy định để bổ sung vào hồ sơ sang tên đổi chủ. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan chức năng thực hiện xác minh và nếu không phát hiện điều gì bất thường, sẽ hoàn thiện hồ sơ và cấp giấy phép đăng ký mới cho người dân.
Tuy nhiên, sau ngày 31/12, quy định không còn hiệu lực. Điều đó có nghĩa là những người muốn sang tên đổi chủ cho xe đã qua sử dụng bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của phương tiện, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu, đi kèm xác nhận của UBND xã/phường sở tại. Như vậy, người dân sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn, đặc biệt đối với những phương tiện đã được mua đi bán lại nhiều lần.
Tại Hà Nội, trong khoảng một tháng gần đây, đã có hàng nghìn xe máy được làm thủ tục sang tên đổi chủ theo hướng dẫn của Thông tư 15. Số lượng phương tiện làm thủ tục khá đông nhưng không gây ra tình trạng quá tải bởi nhiều người nắm được thông tin Điều 24 sắp hết hiệu lực nên đã nhanh chóng tới đăng ký.
Cũng từ 1/1/2017, CSGT cũng sẽ tiến hành xử phạt với những chủ sở hữu cố tình không sang tên, đổi chủ khi mua bán xe mô tô, xe gắn máy theo Điều 30 Nghị định 46/2016. Theo đó, đối với cá nhân, mức phạt từ 100.000-200.000 đồng, mức phạt từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe máy, xe mô tô và các loại xe tương tự mô tô không làm thủ tục sang tên khi thuộc diện mua, được tặng, được cho, thừa kế tài sản hoặc điều chuyển.
Người mượn xe không phải nộp phạt
Bắt đầu từ năm 2017, chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐCP.
Với lỗi không sang tên xe, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đối với mức phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng được áp dụng với tổ chức.
Liên quan đến việc xử lý lỗi không sang tên xe, bạn đọc Đỗ Đức Việt (ở Hà Nội) đặt câu hỏi: “Luật có quy định thời hạn bắt buộc thực hiện việc sang tên xe sau khi mua xe hoặc được thừa kế, được cho, tặng?”
Trao đổi với PV về thắc mắc của bạn Việt, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Thông tư 15/2014/BCA Quy định về đăng ký xe nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Chủ phương tiện cố tình không làm thủ tục sang tên xe trong thời hạn quy định sẽ bị xử phạt nếu cơ quan chức năng phát hiện.
Bạn đọc Trịnh Xuân Phú (ở Nghệ An) đặt câu hỏi: “Tôi mượn xe máy của anh trai tên Tuấn đi làm. Tuy nhiên, chiếc xe của anh Tuấn mua đã lâu nhưng không sang tên đổi chủ. Giả sử khi tôi đi xe mắc lỗi vượt đèn đỏ, quá trình xử lý cảnh sát đã phát hiện chiếc xe tôi mượn anh Tuấn chưa sang tên, vậy tôi hay anh Tuấn sẽ là người phải nộp phạt?”
Trao đổi với PV về thắc mắc của anh Phú, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, chủ phương tiện không thực hiện việc đăng ký sang tên xe theo thời hạn quy định sẽ là người chịu trách nhiệm nộp phạt.
Vì vậy anh Phú chỉ phải nộp phạt lỗi không chấp hành đèn tín hiệu bởi anh là người điều khiển phương tiện mắc lỗi này. Còn lỗi không sang tên đổi chủ, cảnh sát lập biên bản sẽ tạm giữ giấy tờ xe, sau đó sẽ mời anh Tuấn lên xử lý vi phạm.