Mấy hôm nay, trên khắp các diễn đàn là câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc về chàng hát rong và cô gái mù... Chuyện tình lãng mạn như cổ tích và những lùm xùm xung quanh khiến tôi nhớ đến những câu chuyện ngôn tình mình vẫn thường hay đọc.
Tôi thích đọc truyện ngôn tình
Tôi thích đọc sách. Sách nào tôi cũng đọc, vì tôi nghĩ đã là sách thì kiểu gì mình cũng học được ít nhiều trong đó.
Tôi hay đọc tiểu thuyết ngôn tình là vì vậy. Có nhiều người chê ngôn tình, bảo rằng đó là loại sách 3 xu. Tôi nghĩ những người như vậy chắc bẩm sinh vốn rất lãng mạn, thậm chí thừa lãng mạn. Còn tôi, một kẻ vốn khô khan và không biết nói những câu mềm mại, thì lại rất khoái những câu chữ ngôn tình.
Ví như: “Thứ được gọi là lời nói yêu đương, nếu không có sự chân thành, có nói nhiều đến mấy cũng trở nên vô ích” hay “Thì ra duyên phận đã sớm an bài trong khoảnh khắc họ gặp nhau. Giống như họ đã nói: Không sớm một bước, cũng không muộn một bước, vừa vặn trong ngàn vạn người, bạn sẽ gặp, người thuộc về bạn, là anh ấy”.
Hay nữa:“Khi còn yêu nhau, đừng có quá thực tế, nhưng khi chia tay rồi thì nên thực tế một chút. Tất cả đều đã kết thúc, ai nấy đều có khoảng trời riêng của mình, dù có luyến tiếc cũng phải buông thôi”...
Mỗi khi đọc được một câu hay hay, tôi vẫn thường đánh dấu lại và ngẫm nghĩ về nó. Tiểu thuyết ngôn tình lúc nào cũng về tình yêu, với đầy đủ nước mắt, niềm vui, âm mưu, phá hoại... và một cái kết thường làm hài lòng độc giả. Có thể đọc xong rồi, chỉ một thời gian ngắn sau, tôi đã không thể nhớ nổi tên nhân vật chính và diễn biến của câu chuyện. Nhưng cái tôi được vẫn là một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái sau khi gấp sách lại. Tôi thấy cuộc đời thật đẹp, thật đáng yêu và lại tràn đầy niềm tin, hi vọng vào tình yêu, vào sự có thật của hai chữ “lãng mạn” trên đời.
Chẳng phải so với những tin tức giật gân câu khách mở mắt mỗi ngày đã thấy hay những trò hề diễn ra từng ngày từng giờ trên mạng... đủ làm bản thân cảm thấy “muốn đập đầu vào tường”, thì những cuốn ngôn tình “3 xu” – cũng có thể coi là những truyện cổ tích dành cho người lớn đã là sự giải thoát cho một tinh thần vốn đã phải tiếp nhận quá nhiều những thứ nặng nề, mệt mỏi hay sao?
Và khi có một tình yêu bước chân ra từ những trang cổ tích, tôi lại càng thấy rằng ngôn tình đâu phải là thứ xa xôi.
Nhưng ngôn tình cũng hay có chữ "nhưng"...
Câu chuyện như cổ tích của "cặp vợ chồng hát rong" bước ra từ chương trình Điều ước thứ 7 trên VTV, họ bằng xương, bằng thịt là một cô gái khiếm thị và một chàng trai học thanh nhạc, rõ ràng là truyện ngôn tình ngay trong đời thực. Tình yêu là cầu nối gắn kết hai tâm hồn để họ vượt qua định kiến, sự khác biệt và những khó khăn của cuộc đời. Họ rong ruổi cùng nhau trên những con phố, mang lời ca tiếng hát để phục vụ mọi người và kiếm sống một cách chân chính. Tình yêu đơm hoa kết trái với một em bé xinh xắn, khỏe mạnh... Xem câu chuyện của họ, những người phụ nữ như tôi đều rơi nước mắt. Chúng tôi xúc động trước sự chân thành, giản dị và ý nghĩa cao đẹp của hai từ “Tình Yêu”.
Câu chuyện như cổ tích "cặp vợ chồng hát rong" đã từng lấy đi khá nhiều nước mắt của khán giả. |
Lúc ấy, tôi chợt nhớ một câu ngôn tình đã đọc:“Thực ra, đối với tình yêu, càng đơn thuần sẽ càng hạnh phúc”. Vật chất và những toan tính sẽ hóa tàn tro trước một tình yêu trong sáng. Chuyện tình của họ là minh chứng cho những câu nghe rất “giáo điều”, “sách vở” mà chúng ta vẫn gặp đâu đó hàng ngày.
Thế nhưng, câu chuyện lãng mạn không tồn tại quá lâu. Chàng Bạch mã hoàng tử lập tức bị phát hiện đã có vợ và 2 con ở quê. Nàng Lọ lem cũng hình như che giấu vài điều khó nói. Cú vấp lãng mạn làm tỉnh mộng cả những tâm hồn lãng mạn nhất. Họ cảm thấy bị bội phản. Họ muốn một cái kết có hậu. Họ muốn rằng lãng mạn phải bước ra đời thật và cho họ thêm nhiều niềm tin vào những thứ tốt đẹp trong đời. Người sùng sục đi tìm chân tướng của sự thật, người cố tình lục tung đống truyện cổ tích lên để tìm xem có cách nào nhét hai nhân vật chính trở lại truyện hay không?
Và cả những người làm chương trình - những người mong muốn "kể chuyện cổ tích cho trẻ con, để nuôi dưỡng trong lòng tụi trẻ, hãy cố gắng giữ hy vọng những câu chuyện cổ tích đó vẫn còn chứ đừng mất hy vọng" dường như cũng vấp phải một cú điếng người.
Nhưng tôi thì khong muốn mình bị vấp! Tôi thì nghĩ nhiều về “tác giả” viết nên câu chuyện tình đó. Họ đã làm được một điều là đo lường được giá trị của sự lãng mạn trong cuộc sống của đám đông hàng ngày vẫn lo ngay ngáy chuyện “cơm áo gạo tiền”. Họ đã biết được rằng xã hội vật chất không hề quay lưng lại với chủ nghĩa lãng mạn, thậm chí còn khát khao lãng mạn hơn bao giờ hết.
Chỉ tiếc rằng hiện thực đôi lúc thật khắc nghiệt, và lãng mạn vẫn tiếp tục là thứ hơi bị “lép vế”.
Tôi ngồi buồn giở sách ngôn tình, vô tình đọc được câu này: “Khi bạn đã thấu hiểu tất cả thế giới này, bạn sẽ học được cách không bận tâm quá nhiều nữa. Có rất nhiều chuyện, không phải là bạn bận tâm đến thì nó sẽ thay đổi, cũng không phải vì bạn bận tâm mà việc đó sẽ thay đổi như ý bạn muốn. Chẳng bằng hãy dùng thời gian sức lực làm những việc có ý nghĩa,tự mình trở thành một người tốt hơn”.
Và cuối cùng...
Tôi sẽ vẫn mua tiểu thuyết ngôn tình. Khi tôi không thể lãng mạn, tôi sẽ mua sự lãng mạn bằng một cách đơn giản: tôi đọc và nhắm một mắt để thấy mình bay trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. Còn mắt kia, tôi sẽ vẫn mở để nếu có vấp ngã cũng không vấp quá đau.
Điều ước thứ 7: Bố cô gái mù vẫn rất biết ơn "chàng rể hờ" "Vì thằng Thanh là người hiền lành, tử tế lắm nên tôi không hề trách nó. Tôi thấy biết ơn nó, vì nó đã dìu dắt con Đào trong thời gian qua", bố ruột chị Đào nói. |