Biên chế suốt đời là gì?
Biên chế suốt đời là cách gọi dân dã, của những người làm việc trong cơ quan nhà nước phục vụ và ăn lương từ ngân sách của nhà nước.
Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 trở đi sẽ phải ký hợp đồng xác định thời hạn.
Như vậy, có nghĩa từ ngày 01/7/2020 trở đi, những người được tuyển dụng mới phải ký hợp đồng xác định thời hạn (tức là không còn được hưởng biên chế suốt đời).
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. (Điều 25 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019)
3 đối tượng viên chức được hưởng biên chế suốt đời
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích rõ biên chế là gì. Tuy nhiên có thể hiểu, biên chế là số người làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước.
Biên chế suốt đời là cách nói chỉ vị trí công việc phục vụ lâu dài, ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, được hưởng các chế độ về lương, phụ cấp theo quy định của Nhà nước.
Trước khi Luật sửa đổi Luật Viên chức có hiệu lực, tất cả viên chức đều được hưởng biên chế suốt đời. Từ thời điểm ngày 01/7/2020 - khi Luật sửa đổi Luật Viên chức chính thức có hiệu lực, số đông người được tuyển dụng làm viên chức sẽ ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 đến 60 tháng.
Chỉ có 03 trường hợp viên chức được hưởng biên chế suốt đời - ký hợp đồng làm việc vô thời hạn là:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức;
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.