Vừa qua, có nhiều nhãn hàng lớn nhận được phản ánh của khách hàng về các Fanpage mạo danh tràn lan trên Facebook. Giao diện của những Fanpage này gần giống Fanpage thật và cũng thu hút được hàng chục ngàn người theo dõi nên khiến nhiều người lầm tưởng đây là Fanpage chính thống.
Chị H. Phương (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) là một tín đồ thời trang nên thường đặt mua hàng qua mạng, nhất là khi có chương trình giảm giá. Cuối tháng 11 vừa qua, chị Phương đặt mua bộ đầm từ Fanpage của thương hiệu mà chị đã biết đến từ lâu khi thấy có quảng cáo sale cực lớn nhân dịp Black Friday. Nhưng khi nhận hàng, sản phẩm mà chị nhận được không đúng với hình chụp trên trang, màu nhạt, chất liệu vải sần sùi, đường chỉ may nhiều chỗ bị đứt.
Chị Phương nghi mua phải hàng giả đã nhắn tin khiếu nại vào Fanpage nhưng không nhận được hồi đáp. Khi mang sản phẩm tới cửa hàng gần nhất của thương hiệu đó, chị Phương mới biết đây không phải sản phẩm của hãng. Trang Fanpage mà chị Phương đặt mua là giả mạo.
Trước đây người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt trang Fanpage chính thức với trang giả mạo thông qua “tích xanh”. Tuy nhiên, triêu trò lừa đảo hiện nay đã tinh vi hơn.
Theo chia sẻ của chị Phương thì Fanpage chị đặt mua cũng có “tích xanh”. Nhưng khi so sánh 2 trang mới thấy, trên trang Fanpage chính thức, tích xanh được đặt bên cạnh tên trang còn trang giả mạo tích xanh được dán vào trong ảnh đại diện của trang. Nếu không để ý thì rất dễ lầm tưởng đây là Fanpage chính thức.
Hội bảo vệ người tiêu dùng khuyên cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Dù mua hàng qua website hay mạng xã hội đều cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng.
Hiện có nhiều nhãn hàng, thương hiệu đã cảnh báo khách hàng cần lưu ý chỉ mua trên Fanpage chính hãng của hãng, không mua hàng từ các trang có tên, giao diện tương tự để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng phức tạp trên môi trường số, các mạng xã hội được xem là nơi mà nhiều đối tượng tìm kiếm tạn nhân để tiến hành lừa đảo. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Tuỳ vào độ tuổi của đối tượng mà kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy thông tin, đánh cắp thông tin người dùng sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em với 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên với 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo,…
Tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại nên các đối tượng lừa đảo đã tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, ngày càng giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân đến từ chính người dân chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo. Ngoài các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.