Từ vụ 2 bé gái mất tích bị hãm hiếp sát hại: Cách phòng ngừa bắt cóc chiếm đoạn trẻ em nên biết

( PHUNUTODAY ) - Với thủ đoạn ngày càng tinh vi và đa dạng vậy cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc và chiếm đoạn trẻ em?.

Dư luận đang xôn xao về vụ Đào Văn Hùng (SN 1986, ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) khai nhận là thủ phạm bắt cóc, sát hại hai bé gái cùng xã rồi chôn xác trong vườn nhà. Hai bé gái này mất tích từ tối 14/5/2016. Công an đã khai quật vị trí theo mô tả của Hùng và tìm thấy thi thể hai bé gái. Dù chưa có kết quả giám định ADN, nhưng gia đình nạn nhân cho biết, qua quần áo của 2 bé gái, có thể đó đúng là con em họ. Bước đầu, nghi phạm khai động cơ gây án là do lâu nay ấm ức, chính người làng Khai Thái đã cản trở, khiến anh ta trục trặc chuyện tình yêu.

tro ve bao mong 6 - phunutoday

 Nghi phạm Đào văn Hùng đã hãm hiếp sát hại 2 bé gái và chôn xác trong vườn nhà.

Trước đó, chiều 4/4/2016, tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận, đối tượng Nguyễn Bảo Vũ (24 tuổi, trú tại thị trấn Liên Hương) đã bắt cóc rồi sát hại cháu N. (11 tuổi). Sau đó Vũ còn nhắn tin cho bố nạn nhân đòi số tiền chuộc 200 triệu đồng. Cuối cùng Vũ bị bắt và bị xử tử hình về tội danh giết người, tống tiền.

Ngoài 2 vụ việc đơn cử trên, trong thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em mất tích nghi do bị bắt cóc. Việc này đã khiến các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang lo lắng cho sự an toàn của con họ bất cứ nơi đâu.

bat coc 1 - phunutoday

Thời gian gần đây nạn bắt cóc xảy ra liên tiếp khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.

Theo trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND), bắt cóc trẻ em là một loại tội phạm rất nguy hiểm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng bắt cóc thường nhằm mục đích tống tiền (chiếm đoạt tài sản) hoặc trả thù cá nhân, trong đó mục đích chiếm đoạt tài sản là chủ yếu.

Để đạt được mục đích về tài sản, đối tượng sẽ sử dụng nhiều phương thức khác nhau như: liên lạc với người thân của trẻ để yêu cầu chuyển tiền; móc nối với đường dây buôn bán người để bán ra nước ngoài lấy tiền... Theo TS Lan, đối tượng thường chuẩn bị rất kỹ kế hoạch trước khi ra tay, từ việc làm quen, dụ dỗ các bé đến kế hoạch di chuyển, lưu giữ trẻ bị bắt cóc; mua bán trẻ với đối tượng là người trong nước hoặc nước ngoài; cách thức đe dọa, nhận tiền, tiêu hủy chứng cứ hoặc bỏ trốn.

“Hành vi bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở nhiều lứa tuổi. Đối tượng bắt cóc trẻ em rất đa dạng, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm muộn. Đặc biệt, hầu hết các đối tượng gây án là những người đang có nhu cầu cấp thiết về tiền bạc. Đó có thể là những người làm ăn đổ bể, nợ nần, vướng vào tín dụng đen, hoặc không có công ăn việc làm, nghiện ma tuý, cờ bạc, đối tượng tiền án tiền sự không chịu hoàn lương…”, TS Hà Thị Hồng Lan phân tích.

Vậy với thủ đoạn ngày càng tinh vi và đa dạng vậy cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc và chiếm đoạn trẻ em?.

bat coc trang tron 3 - ph

Cần dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng".

Nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp. Dạy cho trẻ biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.

Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người “những người lạ có thể tin tưởng”.

bat coc trang tron - phun

Dạy trẻ không đi với lạ, không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho.

Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc. Cách từ chối có thể là: “Bố mẹ cháu không cho phép nhận”.

Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: “bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với”. Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi".

Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi 1 mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được.

bat coc 4 - phunutoday

 Cha mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, để phòng ngừa, TS Lan cũng khuyến cáo các gia đình cần trang bị kỹ năng tiếp xúc với người lạ cho trẻ như: "sử dụng mật khẩu, không đi theo người lạ khi không có người thân đi cùng, không nhận quà từ người lạ, khi bị người lạ dụ dỗ hoặc đe dọa cần phản ứng như thế nào. Đồng thời, hướng dẫn trẻ em nhớ rõ thông tin về gia đình (bố mẹ, ông bà, địa chỉ gia đình...); trao đổi, phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo trong quản lý các cháu ở trường. Cha mẹ cần nắm chắc việc quan hệ bạn bè của các cháu; nhắc nhở các cháu cần cảnh giác với những hiện tượng, tình huống bất lợi, nguy hiểm. Ngoài ra, cha mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, không đưa thông tin, ảnh quá chi tiết về con và gia đình lên mạng…".

Về phía nhà trường, cơ sở y tế, cần đề ra các nội quy và thực hiện chặt chẽ các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em, tránh việc bắt cóc xảy ra. Các cơ quan chức năng cẩn đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em, nâng cao ý thức cảnh giác

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn