Lợi ích của râu ngô đối với sức khỏe
Theo Đông y, râu ngô có vị ngọt, tính bình, có tác dụng vào kinh thận, bàng quang. Loại dược liệu này thường được dùng làm thuốc trị bệnh trong các trường hợp như bí tiểu, tiểu vàng rắt buốt, tiểu ra máu, viêm đường tiết niếu, sỏi niệu quản, bàng quan, sạn trong gan, mật, thận...
Râu ngô còn nhiều công dụng khác như thông mật trong điều trị bệnh gan mật, sỏi mật. Uống nước râu ngô đều đặn có tác dụng kích thích cơ thể tăng bài tiết mật nhờ đó độ nhớt của mật giảm xuống. Lúc này, mật có thể được đưa xuống ruột một cách dễ dàng hơn.
Sử dụng râu ngô một cách hợp lý sẽ giúp hạ huyết áp, tăng bài tiết nước tiểu, có lợi cho những người bị bệnh thận, bị phù thũng do liên quan đến bệnh tim mạch.
Người bị sỏi ở các bộ phận như thận, bàng quang, niệu quản sử dụng nước râu ngô sẽ góp phần làm tan các loại sỏi có thành phần là urat, phosphat, carbonat.
Ngoài ra, các trường hợp xuất huyết cũng có thể sử dụng nước râu ngô vì loại đồ uống này có tác dụng cầm máu.
Có nên uống nước râu ngô mỗi ngày?
Theo kinh nghiệm dân gian, nước râu ngô khá lành tính, được dùng làm nước uống giải khát đối với nhiều người. Loại đồ uống này có vị ngọt, tính bình, mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, với bất kỳ sản phẩm nào, chúng ta cũng chỉ nên dùng ở lượng vừa phải và cần biết một số lưu ý để tránh gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể.
Khi sử dụng râu ngô, chúng ta cần phải rửa nguyên liệu thật kỹ, nhiều lần dưới vòi nước sạch để loại bỏ tạp chất, các loại thuốc trừ sâu (nếu có).
Râu ngô có thể sử dụng ở dạng tươi và dạng khô. Tuy nhiên, râu ngô tươi vẫn tốt hơn vì nó chứa nhiêu dưỡng chất hơn.
Nên chọn loại râu ngô có màu nâu nhung, sợi to, bóng mượt.
Ngoài việc sử dụng râu ngô để đun nước uống, bạn có thể kết hợp râu ngô với các loại thảo dược khác như cây kim tiền thảo, cỏ mã đề, cỏ xước, rễ tranh...
Trường hợp đang sử dụng thuốc trị bệnh cần hạn chế uống nước râu ngô. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Khi đang sử dụng thuốc lợi tiểu thì phải tránh dùng nước râu ngô.
Chỉ dùng nước râu ngô trong khoảng 10 ngày nếu muốn sử dụng với mục đích trị bệnh. Sau đó, cần ngưng sử dụng loại đồ uống này khoảng một tuần để tránh trường hợp rối loạn điện giải. Do râu ngô có tác dụng lợi tiểu, uống vào buổi tối có thể gây ra tình trạng đi tiểu nhiều vào ban đêm, gây mất ngủ.
Đặc biệt, trẻ nhỏ không nên sử dụng nước râu ngô liên tục nhiều ngày thay nước lọc vì có thể dẫn tới mất cân bằng điện giả, tăng đào thải, làm cơ thể kém hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng như kali, canxi...