Văn bản in 1 mặt lãng phí, đường Mỹ Đình-Bái Đính tiết kiệm?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Để giảm chi cho ngân sách, Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi các khoản chi thường xuyên, vốn đầu tư chưa phân bổ nửa cuối năm, dừng mua sắm, sửa chữa và cấm việc kết hợp đi công tác nước ngoài để du lịch.

Theo VNE, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các ngành, địa phương về việc điều hành ngân sách, với một loạt biện pháp cắt giảm tiêu. Cụ thể, để bổ sung nguồn dự phòng, Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi số vốn đầu tư, các khoản dự toán chi thường xuyên chưa phân bổ, thực hiện đến hết ngày 30/6. Ngoài ra, với nguồn kinh phí đã bố trí để mua sắm, sửa chữa sẽ chỉ được phê duyệt nếu thực sự cấp bách.

Việc mua sắm xe công sẽ bị dừng để giảm chi thường xuyên. Ảnh minh họa: VNE

Cơ quan quản lý cho biết: "Các chương trình, dự án, đề tài đã được bố trí dự toán nhưng hết quý III chưa triển khai thì đề nghị tạm dừng để giảm chi ngân sách Nhà nước". Ngay cả các các dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng đến 30/6 chưa tiến hành thủ tục thanh toán cũng sẽ phải thu hồi vốn để bổ sung dự phòng ngân sách.

Gần đây, Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội cho phép nới trần bội chi để có thêm ngân sách chi cho đầu tư phát triển khi các khoản chi tiêu thường xuyên rất khó thắt chặt. Trong cơ cấu chi ngân sách hiện nay, tỷ trọng chi cho thường xuyên đang tăng rất nhanh, từ mức 65% của năm 2005 lên 77,1% vào năm 2012. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với tốc độ chi tiêu thường xuyên lớn như vậy thì không có túi tiền của quốc gia nào chịu đựng nổi. Do đó, việc Bộ Tài chính đưa ra những chỉ đạo trên trong bối cảnh này được đánh giá là hợp lý.

Để giảm chi tiêu thường xuyên, Bộ Tài chính yêu cầu lùi thời gian thực hiện chi mua xe công, cắt giảm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm. Cụ thể, việc nhận văn bản, chỉ đạo sẽ qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, photo giấy tờ không cần thiết. Ngoài ra, công văn cũng yêu cầu tận dụng giấy in 2 mặt để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng kiên quyết phải cắt giảm. Trong công văn gửi các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh yêu cầu tăng cường họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành để hạn chế chi phí tổ chức, đi lại, ăn ở. Bên cạnh đó, hội nghị, hội thảo nội dung không thiết thực, lễ tổng kết, nhận huân huy chương, lễ ký kết, khởi công, khánh thành... cũng phải hạn chế.

Để giảm chi phí đi công tác trong nước và nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết chỉ trường hợp thực sự cần thiết mới cử đi công tác nước ngoài, cấm triệt để việc kết hợp công tác để du lịch. "Trong trường hợp phải tổ chức đoàn công tác, phải xác định cụ thể nhiệm vụ của từng người trong đoàn. Các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới cũng phải đảm bảo gọn nhẹ, tiết kiệm, không được tổ chức đón tiếp tốn kém", đại diện Bộ nêu rõ.

Trong khi, cả nước đang chung tay chống lãng phí thì mới đây dư luận lại vô cùng xôn xao về dự án xây dựng đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính bởi nhiều chuyên gia cho rằng đây là một dự án vô cùng lãng phí.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, "dự án rất cần thiết sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch, tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội. Vào ngày cuối tuần mà xuống đó nghỉ ngơi du lịch thì rất tuyệt vời. Bên cạnh đó dự án chỉ là nối liền 3 dự án đã có sẵn. Do vậy, sẽ phát huy hiệu quả vốn đầu tư, chi phí thấp, vậy lý do gì mà chúng ta lại không làm?" 
 
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp, phải cắt giảm ngân sách, việc bỏ ra khoản tiền “khổng lồ” 4.300 tỷ đồng để đầu tư thêm một tuyến đường mới, song song các tuyến đường đã có, với kinh phí “khổng lồ”… có hiệu quả không? Trong khi theo nhận định của các chuyên gia khả năng lãng phí là rất lớn. Vì hiện nay đã có đến 3, 4 tuyến đường nối hai địa điểm này: đường sắt, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường 1A cùng chạy về Ninh Bình.

Đấy là chưa kể đến tình trạng công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về ở Việt Nam hiện nay.

Tháng 1/2013, dư luận bàng hoàng bởi phát biểu thẳng thắn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”, rõ ràng đó là một hành động lãng phí rất lớn nhưng đến tận bây giờ cũng đã giải quyết được đâu.

Tình trạng công chức cắp ô cũng là sự lãng phí rất lớn

Bởi cho đến nay vẫn chưa ai thống kê được tỷ lệ bao nhiêu người làm việc thực sự, có hiệu quả, bao nhiêu nằm ở bộ phận chỉ giữ chỗ ăn lương “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Mới đây, vào ngày 20/9, trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ con số30% công chức không đạt yêu cầu như dưluận thường nêu ra song Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái  Bình phân trần rằng vừa qua chưa có dữ liệu đầy đủ để tổng hợp về trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện, do đó chưa có được sự thống nhất về số liệu để đánh giá, phân loại nhưng qua tổng hợp sơ bộ, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%.

Tuy nhiên, đang ở 30% bỗng lao xuống 1%, thì liệu có ai trong chúng ta tin được con số này?

Với nhiều người có thể hoạt động chống tham nhũng, lãng phí nhằm giảm chi cho ngân sách sẽ là những hành động vô cùng lớn lao, trên tầm vĩ mô nào là lãnh đạo cắt xe công, giảm công tác... Tuy nhiên, các biện pháp tiết kiệm hiệu quả có thể kể ra đây như hạn chế các dự án lãng phí, giảm biên chế công chức cắp ô có thể làm nhanh mà không ảnh hưởng đến công việc cũng có thể là những biện pháp mà các cơ quan chức năng nên chú ý.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn