1. Tài không đủ thì tính toán nhiều
Mỗi khi gặp chuyện gì đó chúng ta thường bận lòng lo nghĩ, mà khó có thể quyết đoán. Ở một chừng mực nào đó, thì đây là biểu hiện rằng tài học của chúng ta chưa đủ. Khi tài học được tích luỹ tới một trình độ nhất định, thì hoàn toàn có thể mượn kinh nghiệm và trí huệ của tiền nhân mà nhanh chóng tìm được phương pháp giải quyết, không bị điều đó làm nhiễu loạn.
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người cảm thấy trí tuệ của mình không đủ để ứng phó, đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.
Nhưng hễ có thời gian là họ lại nghỉ ngơi cho thoải mái, hoặc chỉ để tâm tới việc ăn uống vui chơi, hưởng lạc hay ngủ nướng. Họ hoàn toàn không hiểu được việc cần phát triển học thức của bản thân. Vậy nên hễ gặp chuyện là họ trở nên rối loạn, hoang mang.
Chỉ khi đọc nhiều sách, nỗ lực vươn lên mới có thể bồi đắp được trí lực, gặp việc mới có thể ứng phó một cách bình ổn.
2. Hiểu không đủ thì suy nghĩ, lo lắng nhiều
Kiến thức là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà hình thành, cũng là thể hiện tầm nhìn rộng lớn, và những phán đoán cho tương lai. Lo lắng nhiều, thể hiện đối với tương lai có nhiều bất an suy nghĩ, không biết con đường phía trước như thế nào, gặp những gì. Nếu như đầy đủ kiến thức, trí tuệ mở mang thì sẽ hiểu tương lai chẳng qua là hiện tại kéo dài, chỉ cần chuyên tâm sống cho tốt hiện tại thì sẽ tiêu trừ hết thảy những lo ngại, nghi hoặc kia.
Điều ấy nói cho chúng ta biết, cuộc sống có nhiều lo lắng suy nghĩ, bất an thấp thỏm cũng không phải là do hoàn cảnh bên ngoài tác động khiến cho chúng ta như vậy, mà là bởi vì kiến thức của chúng ta nông cạn, cách nhìn hạn hẹp tạo thành. Muốn cải biến tình trạng này, bản thân phải nâng cao trí tuệ, phải có tầm nhìn rộng lớn, mà cách tốt nhất chính là chăm chỉ học hỏi, ham mê đọc sách.
Người xưa có câu: “Học kinh tăng học vấn, học sử tăng kiến thức”. Đọc nhiều sách của cổ nhân nhằm tham khảo kinh nghiệm, trí tuệ của họ làm phong phú thêm kiến thức của mình, khi gặp vấn đề thì tự nhiên tâm ý thông suốt rõ ràng, biết làm thế nào để giải quyết sự việc, không cần phải lo lắng bất an.
3. Uy không đủ thì tức giận nhiều
Nhiều khi chúng ta nổi giận vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình, từ đó mà áp dụng biện pháp cực đoan nhằm thu hút sự chú ý của người khác. Đây chính là biểu hiện rằng uy tín của bản thân không đủ. Nhưng nổi giận như vậy lại càng bộc lộ ra những thiếu sót của chính mình.
“Hậu đức tải vật”, uy vọng đều từ đức mà ra, sức mạnh của đạo đức có thể chinh phục tất cả mọi người. Nếu thực sự có học vấn, thì điều mà người có đạo đức thể hiện ra ắt phải là sự khiêm nhường, cung kính, dung dị, dễ gần. Đâu phải dùng tới sự phẫn nộ để chiêu mời lòng oán hận từ mọi người?
Trên thực tế, những người càng không có tư cách, không có thực lực thì càng dễ tức giận, càng tức giận thì càng khiến người khác phải ngạc nhiên. Đỗ Nguyệt Sinh từng nói: “Người hạ đẳng không có năng lực, lại hay nóng giận”, chính là nói về kiểu người này. Trong những tình huống thông thường, khi một người gặp phải trắc trở họ sẽ rất dễ nổi giận, nổi giận lại khiến con người bị kích động.
Người không có thực lực thì càng dễ gặp trắc trở trong cuộc sống hiện thực. Những kẻ phàm phu tục tử không có thực lực thường sẽ phải sống một cuộc đời đầy đau thương. Họ chỉ có thể nhìn thấy ngọn lửa giận của mình. Bởi lẽ không có bản sự nào khác khiến người khác tôn trọng nên vô tình ngọn lửa giận này lại giống như đang thống hận sự bất lực của chính mình vậy.
Sau đó ngọn lửa giận dữ còn thiêu đốt nội tâm họ, khi làm tổn thương người khác, họ cũng làm đau chính mình. Nếu con người thực sự có thực lực, thì sự tức giận cũng không còn cần thiết nữa.
Khi một người nhận được tôn trọng chân thành, họ đã tu xuất được sự bao dung và hàm dưỡng, thì còn cần gì đến sự tức giận?
4. Tin tưởng không đủ thì nói nhiều
Cổ nhân từng nói:
Người có uy đức thì ít lời, người gian giảo mới dùng nhiều lời để nói.
Người có tu dưỡng, lời nói đơn giản ngắn gọn, cũng không bàn luận tùy tiện.
Người nông cạn nóng vội thì lời nói thao thao không ngừng, cũng thích nói chuyện vô căn cứ.
Người quân tử, có tu dưỡng, có uy danh, ăn nói thận trọng, từ tốn hẳn là hiền nhân.
Lời lẽ ba hoa chỉ dành cho những người không có tài năng, phải dùng cái miệng “hót hay” của mình để lấp liếm cho trí tuệ. Nếu bạn tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào những thành tựu, mối quan hệ bạn xây đắp, thì hãy để nó “tự nhiên diễn ra như vốn có”, thay vì tô vẽ ảo diệu giả dối bằng chiếc “lưỡi không xương”.
5. Dũng không đủ thì làm nhiều
Người không có dũng khí, làm việc luôn sợ hãi rụt rè, không dứt khoát, chỉ có thể làm được những việc lao động thường ngày, đã định là một đời bình thường.
Còn người có dũng khí thật sự là dựa vào nội tâm có được một phần khí khái, can đảm, chỉ cần có một chút khích lệ là tựa như hồi trống trận, lập tức tinh thần hăng hái, làm nên thành công, việc nhỏ mà công tích rất lớn.
Sự khác biệt giữa người vĩ đại và người bình thường chính là, người vĩ đại thường chỉ cần một khích lệ tinh thần nho nhỏ cũng có thể lấy ra dũng khí, biết tập trung tinh lực để đi thực hiện cho tốt một việc, mà người bình thường lại chia tinh lực ra để đi làm rất nhiều việc, kết quả việc gì cũng không nên.
Năm tháng qua đi không dấu vết, đời người ngắn ngủi. Cùng với phương thức làm nhiều mà được ít của cuộc sống bình thường lặng lẽ, không bằng hãy tập trung tinh lực, cố lấy dũng khí, làm cho tốt một việc mà đạt được thành tựu to lớn.
6. Nhìn không thấu thì xem xét nhiều
Trong quá trình làm việc, thường có rất nhiều công việc lặt vặt, khiến chúng ta hoa cả mắt. Mà đây chính là biểu hiện cho việc “nhìn không thấu”, nhìn không rõ mọi việc, cũng biểu hiện trình độ trí tuệ.
Một người thông minh, tất cả thể hiện ở những chi tiết nhỏ như:
– Hãy sửa tất cả những gì chúng ta nói “không đúng” thành “đúng”. Không nên dễ dàng phủ nhận người khác, trước hết hãy khẳng định quan điểm của đối phương, rồi sau đó mới đưa ra những kiến giải của riêng mình.
– Có thể cùng bạn bè đùa giỡn, nhưng tuyệt đối không được lấy sở thích của họ ra đùa giỡn.
– Lần đầu gặp mặt, nhất định cố gắng nhớ tên đối phương. Rất nhiều người nói rằng không thể nhớ tên của đối phương, kỳ thực không phải là không nhớ được, mà là vì không để ý.
– Cho dù có tức giận cỡ nào, cũng không nên nói những lời gây tổn thương đối phương, kể cả là người thân, người quen
– Nhìn thấu, nhưng không cần nói ra, hãy lưu cho người khác một con đường. Phát hiện đối phương nói sai hoặc nói dối, không nên vạch trần trực tiếp.
7. Lý không đủ thì tranh luận nhiều
Người hiểu đạo lý không cần nhiều lời tranh luận, thời gian rồi sẽ chứng minh lý lẽ đúng đắn của họ. Trái lại người vô lý, đã không hiểu ngọn nguồn lý lẽ, lại còn dùng nhiều lời nói khéo léo, hoa mỹ, kỳ thực chẳng qua là để che lấp bản chất trống rỗng của mình. Những người này trong tâm thường có quá nhiều tạp niệm, tư tưởng danh lợi lại quá lớn, nếu mà sự nghiệp không thành, thì sẽ thân bại danh liệt chẳng còn gì.
Mà có người lại lựa chọn ẩn mình giấu tài, không thể hiện mình có tài năng xuất sắc, trình độ và năng lực của mình chưa đạt đến, thì càng sẽ không dễ dàng theo đuổi coi trọng danh lợi, mà là yên lặng tích lũy đợi chờ, chờ cơ hội đến sẽ thực hiện, lúc ấy nhất định ra tay sẽ thành công.
8. Tình cảm không đủ thì lễ nghi nhiều
Lễ nghi là chỉ những quy tắc quan hệ giữa người với người, người càng xa lạ càng phải dùng lễ để xử sự, đối đãi.
Trong xã hội hiện đại, nhiều khi món quà giống như vật thế thân của người tặng. Vừa không muốn mang tiếng thất lễ, vừa tranh thủ ghi dấu ấn với người nhận, thì nghi lễ quà tặng được “đôn” lên hàng đầu. Điều đó chỉ càng thể hiện tình cảm của bạn dành cho người nhận vô cùng hời hợt, nhạt nhẽo.