Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường. Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận , nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vương Chiêu Quân được trời phú nhan sắc tuyệt trần và trí thông minh. Nàng thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ gồm: cầm, kì, thi, họa, được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt hoàng đế và vẫn chỉ là một Cung nữ thân phận thấp hèn.
Có thuyết kể như sau:
Có vô số sách vở, tiểu thuyết, kịch… về Chiêu Quân, kể chuyện một cô gái sở hữu sắc đẹp xuất chúng nhưng vì không đút lót tiền cho thợ vẽ Mao Diên Thọ nên chân dung của nàng khi đến tay nhà vua chẳng những kém phần xinh đẹp mà còn có một “nốt ruồi sát phu” ở dưới khóe mắt. Dĩ nhiên, hoàng đế không đời nào lại vời một cô gái có khiếm khuyết như vậy. Vì thế, Vương Chiêu Quân chịu cảnh lạnh lùng trong hậu cung.
Nhờ tiếng đàn tuyệt diệu, Chiêu Quân được thái hậu biết đến và giới thiệu với Hán Nguyên đế. Được biết đến một trang tuyệt sắc suýt bị bỏ quên trong thâm cung, nhà vua mừng rỡ, sủng ái nàng hết mực. Mao Diên Thọ sợ tội, trốn sang Hung Nô, dâng cho thiền vu bức chân dung của nàng. Vua Hung Nô mê đắm, bèn sai sứ yêu cầu nhà Hán nộp Chiêu Quân cho mình, nếu không sẽ khởi động can qua. Vì yếu thế, vua Hán đành gạt nước mắt tiến Chiêu Quân đi. Đến Nhạn Môn quan, Chiêu Quân ôm đàn chơi một khúc nhạc bi thiết rồi gieo mình xuống sông tự tử.
Một giả thuyết khác kể rằng, khi sang đến đất Hồ, Chiêu Quân yêu cầu vua Hung Nô xây một chiếc cầu trên sông Hắc Thủy để làm lễ tạ ơn trời đất. Cầu xây xong, nàng bước lên, nhìn cánh chim nhạn trên bầu trời, ngó xuống ngắm dòng nước chảy xiết, ngâm một bài thơ rồi nhảy xuống sông, xác nàng trôi về tận Trung Nguyên.
Lại có sách kể, Chiêu Quân sang đến đất Hồ đã đưa ra điều kiện đầu tiên để nàng phục tùng là trị tội Mao Diên Thọ. Sau khi Thọ bị vua Hung Nô giết, nàng cũng tự sát.
Nhưng thực tế lịch sử lúc đó qua sử sách ghi chép lại thì Vương Chiêu Quân không phải chết vì tự sát.
Vương Chiêu Quân là truyền kỳ nữ tử trong lịch sử Trung Quốc. Nàng được coi là người có cống hiến vô cùng to lớn đối với sự hòa bình của hai nước Hán Hung.
Nàng được dân gian thêu dệt lên một hình tượng không phải là người phàm tục. Nhưng phần lớn đều là những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và được hư cấu rất nhiều. Vậy thực chất nàng Vương Chiêu Quân trong lịch sử như thế nào và cái chết của nàng ra sao?
Theo ghi chép trong "Hậu Hán thư", Chiêu Quân sống trong hoàng cung bao năm thì cũng chưa một lần được diện kiến Hán Đế thánh giá. Khi nghe tin Hán Đế ban tặng cung nữ cho Thiền vu Hô Hàn Tà của Hung Nô nên đã tự mình tiến cử.
Mãi cho đến khi Hô Hàn Tà chuẩn bị rời Hán triều thì 5 nàng cung nữ mới được triệu lên điện diện kiến thánh giá. Lúc này, Hán Đế mới biết Vương Tường sở hữu vẻ đẹp hiếm có nên vô cùng tiếc nuối. Nhưng vì "quân vô hí ngôn" nên không thể thay đổi được quyết định.
Nhưng nếu nói Vương Chiêu Quân chính là người được triều Hán dùng để “hòa thân” với Hung Nô là không đúng. Thực ra xưa nay Hung Nô luôn là cơn ác mộng đối với mọi triều đại nhà Hán. Chính Hán Cao Tổ Lưu Bang từng 7 năm đích thân chinh phạt Hung Nô nhưng đã từng bị Hung Nô vây 7 ngày 7 đêm suýt chút nữa bị bắt làm tù binh.
Sau khi thoát khỏi vòng vây, Lưu Bang đành phải “hòa thân” với Hung Nô bằng cách gả con gái trong tông thất và kết nghĩa anh em với Thiền vu Hung Nô Mặc Đốn. Sau này, Văn Đế, Cảnh Đế cũng theo quy tắc đó mà làm. Đến thời Hán Vũ Đế tức vị, do quốc lực chưa thể địch được Hung Nô nên cũng đành phải gả công chúa Giang Đô và Giải Ưu để giữ được hòa khí đôi bên. Đây chính là “hòa thân” (hòa hiếu kết giao).
Vũ Đế vốn là bậc hùng tài đại lược, nên đã ra sức phát triển kinh tế, tích cực tăng cường quốc phòng và bắt đầu chủ động phản kích lại Hung Nô. Nhưng phải đợi mãi đến đời Hán Nguyên Đế quốc lực hùng hậu mới có thể trấn áp được Hung Nô.
Năm thứ ba Kiến Chiêu Nguyên Đế, Tây Thành đô hộ Cam Diên Thọ và phó hiệu úy Trần Thang chủ động xuất binh giết chết Thiền vu Chất Chi. Em trai của Chất Chi là Hô Hàn Tà đành phải sang nhà Hán “cầu hôn” để biểu thị sự chân thành muốn cầu hòa của nhà Hung Nô vốn là truyền thống kết nghĩa anh em Hán Hung bao nhiêu năm qua.
Chỉ có điều thời thế đã khác, nay Hán mạnh Hung yếu. Địa vị đã thay đổi, Hung Nô phải chủ động sang triều Hán cầu hôn và Hán Nguyên Đế đã chấp nhận lời thỉnh cầu này. Đồng thời ban cho Hô Hàn Tà 5 nàng cung nữ chứ không phải là con gái trong tông thất nhà Hán như trước đây. Và đây không gọi là Hòa thân mà là ban hôn. Và Vương Chiêu Quân đã được Hán Nguyên Đế ban cho Thiền Vu Hung Nô trong lần này.
Sau khi được gả cho Hô Hàn Tà đến vùng đất xa xôi, Vương Chiêu Quân luôn một lòng đau đáu nhớ về quê nhà. Nàng đã sinh cho thiền vu Hô Hàn Tà một trai, một gái. Khi Chiêu Quân 24 tuổi Hô Hàn Tà qua đời. Nàng tiếp tục làm vợ Phục Chu Luy Nhược Đề con trai lớn của Hô Hàn Tà. May mắn cuộc hôn nhân này vô cùng hạnh phúc. Nàng sinh tiếp hai người con gái.
Ở với người chồng thứ hai được 11 năm thì Vương Chiêu Quân lại trở thành góa phụ. Lúc đó Vương Chiêu Quân cũng đã 35 tuổi nên không muốn tiếp tục tái hôn. Lúc này, nàng tham gia vào các hoạt động chính trị để nhằm duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa triều Hán và Hung Nô. Anh em trai của Vương Chiêu Quân cũng được triều đình nhà Hán phong hầu tước nhiều lần và từng phụng mệnh đi sứ Hung Nô nên có dịp được gặp Chiêu Quân.
Nhưng cuối cùng hai bên không duy được hòa khí, Hung Nô lại phát động chiến tranh. Vương Chiêu Quân nhìn thành quả bao năm mình cố gắng duy trì cho sự hòa bình của hai nước và nỗi nhớ quê hương không thể trở về nên đã chết trong tuyệt vọng đau đớn.