Ông bà ta thường có câu "con gái nhờ phúc đức cha". Vậy lý do từ đâu mà họ lại có quan niệm như vậy?
Chắc hẳn nhiều người cho rằng con gái thường gần gũi mẹ hơn là bố và đôi lúc đối với con gái thì thiếu cha cũng chẳng thành vấn đề. Tất nhiên, cùng phe tóc dài với nhau nên con gái dễ ảnh hưởng phong thái, thói quen từ người mẹ. Tuy nhiên, vẻ khác biệt đầy nam tính của bố lại gây ấn tượng mạnh cho con gái và giúp con bộc lộ nữ tính rõ nét nhất.
Các nhà tâm lý còn phát hiện một điều lý thú là những cô gái thuở nhỏ thân thiết với bố, sau này thường thành đạt hơn trong cuộc sống. Họ cũng bác bỏ quan niệm trước đây cho rằng người cha nên bắt đầu tham gia vào việc dạy dỗ con gái từ khi các bé được 3-5 tuổi, đồng thời khuyến cáo các ông bố cần quan tâm đến cô con gái sớm hơn - ngay từ lúc bé vừa cất tiếng chào đời. Đơn giản là trẻ nhỏ thường có sự đánh đồng về giới tính nên sự hiện diện sớm của người bố rất cần thiết cho bé. Điều này còn giúp con gái từ lúc nhỏ xíu đã cảm nhận được gia đình là một tổ ấm được xây đắp bởi cả cha và mẹ chứ không phải là một mớ bòng bong chỉ xoay vần quanh một mình mẹ.
Hơn nữa, theo quan niệm Á Đông cho thấy, nhiều người đàn ông mong muốn con đầu lòng là gái. Một trong những nguyên do là sự dễ thương và đáng yêu của nữ giới. Rõ ràng, sự lý giải dễ đi vào lòng người nhất thể hiện ở chỗ con gái là hình ảnh thu nhỏ của vợ, là kết tinh bởi chút mềm mại sâu thẳm trong trái tim người cha, là bóng dáng nhân lên bởi tình cảm với người phụ nữ yêu quý nhất - mẹ…
Thêm vào đó, sự tương tác giới tính và tâm lý cho thấy, bố đại diện cho phái mạnh và trụ cột gia đình, nên tạo cho con gái cảm giác chỗ dựa ấm áp, tấm gương lớn noi theo. Với bản chất nữ giới, con gái thường ngưỡng mộ, yêu kính trước hình ảnh người cha mạnh mẽ, chở che nhưng vẫn chiều chuộng mình.