Vì sao Hitler ra lệnh gi.ết “Cáo sa mạc” Erwin Rommel?

05:44, Thứ năm 04/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Là một chỉ huy quân sự vào loại xuất sắc nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội Đức Quốc xã trong thế chiến thứ 2, đã có lúc Erwin Rommel từng là vị Tướng “yêu” của trùm phát xít Hitler. Thế nhưng, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn quyết định, Erwin Rommel lại bị bức tử bởi chén thuốc độc của chính Hitler.


1. Ngược hẳn với hình tượng khát máu và tàn bạo của phát xít Đức, Erwin Rommel là một danh tướng theo đúng nghĩa. Ông không những nổi tiếng về tài năng quân sự hơn người mà còn là một chỉ huy hào hiệp và nhân đức. Mặc dù phục vụ Hilter và là một chiến binh vào loại xuất sắc nhất của Đế chế thứ ba, song Erwin Rommel không bao giờ đứng trong hàng ngũ đảng Quốc xã.

Không những thế, vị Tướng yêu của Hitler còn nhiều lần cứng rắn từ chối những mệnh lệnh tàn bạo yêu cầu ông phải hành quyết lính và người Do Thái bị bắt giữ ở những mặt trận mà ông chỉ huy của chính ông trùm phát xít nước Đức. Vì thế, mặc dù tất cả những trận đánh mà Erwin Rommel tham gia, tất cả những chiến công mà ông có được đều nhằm mang lại lợi ích cho Đức Quốc xã, song chưa lần nào vị Tướng này bị cáo buộc về tội ác chiến tranh.

Erwin Rommel sinh năm 1891 trong một gia đình trung lưu ở Heidenheim. Cha của ông là Giáo sư Erwin Rommel, Hiệu trưởng của một trường trung học ở địa phương, còn mẹ ông là con gái một chức sắc trong vùng. Trong Thế chiến thứ nhất, Erwin Rommel đã là một viên sỹ quan nổi tiếng với tinh thần trách nhiệm và những chiến công lừng lẫy.

Khi tuổi đời còn rất trẻ, Erwin Rommel đã nhận được Huân chương “Pour le Merite” của Đế chế Đức vì những chiến công của ông ở mặt trận Ý. Erwin Rommel gặp Hitler vào năm 1934 và đã lọt vào mắt xanh của tên trùm phát xít tham vọng. Được sự chú ý của Hitler, Erwin Rommel ngày càng nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội Đức Quốc xã. Từ một Tiểu đoàn trưởng kiêm giảng viên tại một trường quân sự, Erwin Rommel trở thành sỹ quan chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ Quốc trưởng Hitler với cấp bậc Thiếu tướng.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Erwin Rommel xin được ra chiến trường và với việc chỉ huy Sư đoàn thiết giáp số 7 tiến quân một cách thần tốc vào nước Pháp trong cuộc tấn công năm 1940, Erwin Rommel đã trở thành gương mặt được cả nước Đức biết tới. Thành công vang dội đó đem đến cho Erwin Rommel chức chỉ huy liên quân Ý – Đức tại chiến trường châu Phi.

r
Erwin Rommel

 Tại chiến trường này, với số quân luôn ít hơn và một lượng xe tăng khá tồi tàn lúc bấy giờ của Đức, Rommel đã đập tan và đẩy lùi nhiều sư đoàn của khối liên minh Anh, Mỹ, Úc và Pháp. Với tài năng cầm quân bậc thầy cùng quân số ít ỏi nhưng Rommel vẫn giáng một đòn nặng nề vào Quân đoàn số 2 của Mỹ tại Tunisia trước khi ông và số quân Đức còn lại buộc phải rút khỏi Bắc Phi trong bất lực khi không còn nguồn tiếp tế để tiếp tục chiến đấu. Những chiến công vang đội trên chiến trường Bắc Phi đã khiến chính những đối thủ của Erwin Rommel  phải “cung kính” gọi ông bằng biệt danh “Cáo sa mạc”.

2. Quay trở về Đức, Rommel đã có một khoảng thời gian khá rảnh rỗi. Tuy nhiên, khi quân đội phát xít Đức mất thể chủ động trên chiến trường, Hilter đã gửi Rommel đến Bộ Tham mưu của Tập đoàn quân B, chịu trách nhiệm tổ chức phòng thủ bờ biển phía Tây nước Pháp trước cuộc xâm lược có thể xảy ra của quân đội Đồng minh.

Trước khi cuộc tấn công xảy ra vài tháng, do nhận thấy sự mất tinh thần, tốc độ xây dựng chậm chạp của quân Đức, Rommel đã nỗ lực hết sức mình để xây dựng tuyến phòng thủ dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của ông, công việc diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc, hàng triệu bãi mìn, hàng ngàn ụ bê tông bảo vệ xe tăng và các chướng ngại vật đã được dựng lên trên các bãi biển và các vùng thôn quê.

Sau các trận chiến của mình tại châu Phi, ông đúc kết ra rằng không thể nào ngăn chặn được tốc độ tiến công dưới sự yểm trợ tối đa bằng đường không của quân Đồng minh. Ông đã đưa ra quan điểm rằng các lực lượng xe tăng nên được tách ra thành các đơn vị nhỏ để củng cố vững chắc các điểm trọng yếu và nên được đặt gần chiến tuyến càng tốt bởi vì chúng không thể di chuyển được đi xa một khi cuộc tấn công nổ ra. Ông muốn cuộc tấn công của quân Đồng minh phải được chặn đứng ngay từ các bãi biển.

Tuy nhiên, vị chỉ huy của ông, Thống chế Gerd von Rundstedt, lại cho rằng không có cách nào ngăn chặn được cuộc tấn công từ bờ biển vì hỏa lực quá mạnh của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh. Ông ta lại nghĩ các lực lượng xe tăng nên được tổ chức lại thành các đơn vị lớn đóng sâu vào vùng đất liền gần Paris, nơi cho phép lực lượng Đồng minh tiến sâu vào và sau đó sẽ tiêu diệt họ.

 Khi phải lựa chọn một kế hoạch cụ thể để tiến hành, Hitler tỏ ra do dự và đưa ra một giải pháp mang tính lưng chừng, vừa đủ xa để làm kế hoạch của Rommel trở nên không còn có ích và cũng không đủ xa như theo kế hoạch của Rundstedt vạch ra. Có thể nói rằng, kế hoạch của Rommel đã không được toại nguyện.

Trong ngày D-Day, ngày mở màn cuộc đổ bộ vào Normandie, nhiều đơn vị xe tăng, nhất là Sư đoàn Panzer SS số 12 khi đó đang ở rất gần bờ biển và có đủ khả năng để gây ra một sự thiệt hại nghiêm trọng cho quân Đồng minh. Cái rủi cho quân phát xít Đức lại là cái may cho quân Đồng minh, Hitler đã từ chối tung ra các đơn vị tăng này vì ông ta tin rằng cuộc đổ bộ lên bờ biển chỉ là đòn nghi binh của đối phương.

Nhờ có sự thành công của chiến dịch tung tin giả mạo mang tên Fortitude, Hitler và bộ chỉ huy tối cao của Đức đã mong chờ một cuộc tấn công lớn của quân Đồng minh vào Pas de Calais. Đối mặt với các cuộc tấn công quy mô nhỏ của quân Đức, lực lượng Đồng minh nhanh chóng chiếm được các vị trí đổ bộ. Đúng lúc đó, cuộc chính biến của lực lượng sĩ quan chống đối Hitler trong quân đội Đức quốc xã nổ ra.

3. Trên thực tế, vào cuối những năm 30, đầu những năm 40, trong quân đội Đức đã bắt đầu nhen nhóm những âm mưu đảo chính chống lại Quốc trưởng Adolf Hitler do những tội ác kinh hoàng mà ông ta gây ra. Đã có hai cuộc ám sát tên trùm phát xít diễn ra trong những năm 1938, 1939 nhưng đều bất thành. Cho tới tháng 7-1944, lực lượng phản đối Hitler quyết định thực hiện cuộc ám sát lần thứ ba với kế hoạch chi tiết và thời gian chuẩn bị lâu hơn rất nhiều.

Sau nhiều lần thất bại, ngày 20/07/1944 đại tá Claus von Stauffenberg (1907-1944) đã đem bom vào đặt trong phòng họp của Hitler ở đại bản doanh “Hang sói” ở Đông Phổ khi được Hitler triệu tập tới để báo cáo về tình hình quân dự bị ở Berlin nhằm bổ sung cho quân số đang ngày một hao hụt ở tiền tuyến. Phe đối lập hy vọng rằng sau khi giết được Hitler, họ sẽ huy động quân trừ bị và các đơn vị chống Hitler đưa lính đến chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền, quân SS và bắt những nhân vật cao cấp nhất trong đảng Phát xít.

Tuy nhiên, không may mắn cho phe chống đối, quả bom mà Tham mưu trưởng Lực lượng quân dự bị Stauffenberg mang vào phòng họp tại hôm 20/7 đã không giết được Hitler. Thêm vào đó, phe đảo chính ở Berlin lại dùng dằng không hành động ngay vì vẫn muốn xác định thông tin về cái chết của Hitler.
Erwin Rommel trên chiến trường
Erwin Rommel trên chiến trường

Họ đã đánh mất những giờ phút quý giá nhất. Bốn tiếng sau, khi Stauffenberg về tới Berlin, họ mới quyết định gửi điện tín cho các đơn vị quân đội tuyên bố đã chiếm quyền. Nhưng bức điện không có tác động gì vì được ký bởi Nguyên soái Erwin von Witzleben (1881-1944), người đã nghỉ vì bệnh được hơn hai năm. Sau đó, phe đảo chính sửa lại lỗi đó bằng cách gửi thêm một bức điện nữa với chữ ký của Tướng Erich Hoepner (1886-1944). Đây cũng là một nhân vật có tiếng trong chiến trận nhưng không có uy tín gì lớn trong quân đội.

Các Tư lệnh quân đoàn nhận được điện đã không hiểu chuyện gì xảy ra và quyết định gọi về Berlin để kiểm chứng. Trong thời gian đó, bộ máy quân sự và an ninh của Hitler nhanh chóng ra tay và đến 18 giờ 30 đã làm chủ tình hình. Năm người được cho là cầm đầu vụ mưu phản ngay lập tức bị bắt rồi hành quyết ngay trong buổi chiều ngày 20. Tuy nhiên, cơn cuồng sát của Hitler vẫn chưa có dấu hiệu nguôi ngoai, lực lượng mật vụ ráo riết truy lùng những người có liên quan.

Khác với sự trù trừ dẫn tới thất bại một cách đẫm máu ở Berlin, tại Pháp, những người chủ mưu của phong trào chống đối Hitler tỏ ra năng động hơn các tướng lĩnh trong nước và cuộc chính biến ban đầu diễn ra cực kỳ thuận lợi. Tướng von Stülpnagel đã bắt giam tất cả 1.200 sĩ quan cùng binh sĩ SS và SD ở Paris, kể cả chỉ huy trưởng của họ, Trung tướng SS Karl Oberg.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, Thống chế Günther von Kluge, người vừa nhậm chức Tổng Chỉ huy miền Tây trở thành nhận vật trọng yếu quyết định sự thành bại của cuộc chính biến ở Paris. Mặc dù Kluge trước sau vẫn chần chừ, nhưng cuối cùng thì vẫn tỏ thái độ đồng tình, hoặc chí ít có thể nói, những người chống đối Hitler cho rằng, nếu như Hitler chết thì Kluge sẽ ủng hộ quân nổi dậy.

Tuy nhiên, khi thông tin Hitler may mắn thoát chết khỏi vụ đánh bom của Stauffenberg, Kluge đã từ chối tham gia vào nhóm âm mưu chính biến. Cũng như Thống chế Fromm tại Berlin, hành động này của Kluge không hề giúp ông thoát khỏi sự “đuổi cùng giết tận” của Hitler.

 Vào ngày 17/8, Thống chế Walter Model được Hitler cử đến thay thế cho Kluge mới chỉ nhậm mới nhậm chức chưa đầy một tháng, làm Tổng Chỉ huy miền Tây. Kluge không hề biết rằng mình bị thay thế cho tới tận khi Model đến kèm theo một thông báo của Hitler, yêu cầu ông báo cáo mọi hành tung của mình ở nước Đức.

Thông báo này đồng nghĩa với việc Kluge bị Hitler nghi ngờ có dính líu tới những người nổi dậy hôm 20/7. Trên đường trở về nước Đức, vì lo sợ phải ra trước “Tòa án nhân dân” của Hitler, Thống chế Kluge quyết định tự tử. Tuy nhiên, Kluge không chết và được đưa vào bệnh viện ở Verdun. Nơi đây, khi nửa mê nửa tỉnh và bị mù mắt, ông thốt ra tên cái tên: Erwin Rommel.

Sau đó, khi bị mật vụ tra tấn dã man, Đại tá Caesar von Hofacker, anh họ của Stauffenberg người đã tham gia cuộc chính biến tại Pháp khai ra vai trò của Rommel trong âm mưu. Hofacker khai Rommel đã từng trấn an ông rằng: "Hãy nói với những người ở Berlin rằng họ có thể trông cậy nơi tôi".

Trên thực tế thì tại thời điểm đó việc Erwin Rommel có tham gia vào âm mưu đảo chính hay không vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, những báo cáo của lực lượng mật vụ dồn dập gửi về khiến cái tên Erwin Rommel trở thành một nỗi ám ảnh đối với Hitler. Cuối cùng ông trùm phát xít quyết định vị Thống chế mà y yêu thích buộc phải chết, dù y biết rằng, Erwin Rommel là người được ngưỡng mộ nhất trong quân đội Đức.

4. Vào thời điểm Erwin Rommel lọt vào tầm ngắm của Hitler, ông đang phải nằm điều trị những vết thương nặng ở đầu do gặp phải một trận oanh kích bất ngờ của Không lực Hoàng gia Canada tại trận tuyến Normandie. Để tránh bị quân đội đồng minh bắt, từ bệnh viện dã chiến, Erwin Rommel được đưa về nhà riêng ở Herrlingen cách Ulm khoảng 50 km. Đó cũng là thời điểm Erwin Rommel nhận được những dấu hiệu cảnh báo cho số phận của mình khi biết người cựu Tham mưu trưởng của ông – Tướng Hans Speidel bị bắt vào ngày 9/7, chỉ một ngày sau khi đến thăm nhà ông ở Herrlingen.

Khi họ nói chuyện với nhau về Hitler, Rommel đã than thở với tướng Speidel: “Cái tên lừa dối bệnh hoạn ấy đã điên hẳn rồi. Hắn đang trút cơn bạo hành lên những người âm mưu ngày 20/7, và đấy chưa phải là hết”. Lúc bấy giờ, Rommel nhận thấy nhân viên mật vụ của Đức Quốc xã đang rình rập quanh nhà ông.

Khi ông đi tản bộ trong khu rừng gần nhà cùng với cậu con trai 15 tuổi, được đơn vị phòng không nơi cậu phục vụ cho phép về săn sóc cha. Cùng lúc đó, tại Tổng Hành dinh ở Rastenburg, Hitler nhận được báo cáo về lời khai của Hofacker đề cập đến Rommel. Thế là, Hitler tuyên án tử hình Erwin Rommel nhưng theo cách đặc biệt.

Tướng Wilhelm Keitel, Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực khai rằng, vào lúc bấy giờ, Hitler nhận ra rằng đây sẽ là một vụ scandal kinh khủng nếu như vị Thống chế có tiếng tăm và rất được yêu mến trong quân đội Đức quốc xã này lại bị bắt và lôi ra trước “Tòa án nhân dân”. Vì vậy, Hitler đã nói với Keitel là y sẽ báo cho Rommel về chứng cứ chống lại ông này và cho phép ông chọn lựa giữa tự tử hoặc ra trước Tòa án nhân dân về tội danh phản quốc. Nếu chọn cách tự tử, Rommel sẽ được an táng theo nghi lễ cấp nhà nước với mọi nghi thức của quân đội, đồng thời gia đình ông sẽ không bị xâm phạm.

Buổi trưa ngày 14/10/1944, hai vị Tướng từ Tổng Hành dinh của Hitler là Wilhelm Burgdorf và phụ tá của ông thuộc Phòng Nhân viên Lục quân, Ernst Maisel đi đến nhà của Rommel. Lúc bấy giờ nhà của Erwin Rommel đã bị mật vụ bao vây cùng với 5 xe bọc thép. Họ đã báo trước cho Rommel hay rằng Hitler phái họ đến để thảo luận "công tác sắp tới" của Thống chế.

Tuy nhiên, Burgdorf và Maisel không hề đến để thảo luận về công tác của vị Thống chế. Trước khi đi, theo lệnh của Hitler, Keitel đã chỉ thị cho Burgdorf mang theo thuốc độc kèm theo văn bản của lời khai chống lại Rommel. Sau khi Burgdorf và Maisel đến, hai người yêu cầu được nói chuyện riêng với Thống chế, và ba người đi vào phòng đọc sách.

Manfred Rommel, con trai của Rommel, sau này kể lại: "Vài phút sau, tôi nghe tiếng cha tôi đi lên lầu và bước vào phòng mẹ tôi. Sau đó, ông đi vào phòng của tôi. Ông ấy chậm rãi nói: ‘Vừa rồi, cha đã không với mẹ con rằng trong vòng một phần tư giờ nữa cha sẽ chết... Hitler đang kết tội cha là phản quốc.

Xét qua công trạng của cha ở châu Phi, cha sẽ có cơ hội chết bằng thuốc độc. Hai người Tướng đã mang thuốc độc đến. Cái chết sẽ đến sau ba giây. Nếu cha chấp nhận, gia đình ta sẽ không phải chịu những biện pháp thường thấy... Cha sẽ được làm lễ an táng cấp nhà nước. Lễ tang đã được chuẩn bị đến chi tiết cuối cùng. Trong vòng một phần tư giờ, con sẽ được bệnh viện ở Ulm báo cho biết cha đã bị tai biến mạch máu não trên đường đi dự họp".

Và sự việc sau đó đã xảy ra đúng như thế. Mặc chiếc áo jacket cũ bằng da của Binh đoàn châu Phi và cầm cây gậy Thống chế, Rommel bước vào chiếc xe cùng với hai viên Tướng. Xe chạy được khoảng 3 km theo con đường ven một khu rừng, rồi Tướng Meisel và tài xế SS bước ra, để Rommel và Tướng Burgdorf ngồi lại phía sau.

Một phút sau, hai người quay lại chiếc xe, Rommel đã chết. Mười lăm phút sau khi tạm biệt chồng, vợ của Rommel nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện. Bác sĩ cho biết hai người Tướng đã mang thi hài của Rommel đến, ông qua đời vì nghẽn mạnh máu não, hiển nhiên là do việc vỡ xương sọ lúc trước. Thật ra, Burgdorf đã cấm khám nghiệm tử thi. Y nói: "Không được đụng đến xác chết. Mọi việc đã được thu xếp ở Berlin".

Sau cái chết của vị Thống chế tài ba vì thuốc độc, Thống chế Model ra một nhật lệnh cho biết Rommel đã qua đời vì "những vết thương gây ra ngày 17/7" và tỏ ý thương tiếc sự mất mát "của một trong những vị Tư lệnh vĩ đại nhất của đất nước".

Quốc trưởng Hitler cũng gửi điện tín đến bà vợ của Rommel. Nội dung bức điện có viết: “Xin hãy nhận lòng cảm thông chân thành của tôi đối với sự mất mát nặng nề mà bà phải chịu đựng vì cái chết của ông nhà. Tên tuổi của Thống chế Rommel sẽ mãi mãi gắn liền với những trận đánh anh hùng ở châu Phi”. Tướng Göring cũng gửi một bức điện: “Sự kiện ông nhà đã qua đời với một cái chết anh hùng vì hậu quả của các vết thương, sau khi tất cả chúng tôi đã hy vọng ông sẽ ở lại với nhân dân Đức, đã khiến cho tôi cảm thương một cách sâu sắc”.

Để che giấu hành vi tội ác của mình, Hitler ra lệnh tổ chức lễ tang cấp nhà nước, trong đó vị sĩ quan cao niên của Quân đội Đức, Thống chế Karl Rudolf Gerd von Rundstedt, cựu Tổng Chỉ huy Mặt trận miền Tây, cũng là cấp trên trực tiếp của Rommel (trước Kluge), đọc điếu văn khi đứng bên thi hài của Rommel phủ cờ chữ thập ngược: "Con tim của ông ấy thuộc về lãnh tụ".

Thực tế thì có lẽ Rundstedt không biết những tình tiết trong cái chết của Rommel, và hẳn ông ta chỉ chỉ biết được qua lời khai của Keitel tại Tòa án Nürnberg được mở sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc.
 

Rundstedt khai: "Tôi không nghe được những lời đồn đại ấy, nếu không tôi đã từ chối đại diện cho Lãnh tụ ở lễ tang; đấy sẽ là điều ô nhục không lời nào diễn tả được". Tuy nhiên, tang quyến Rommel nhận thấy Rundstedt từ chối đến dự lễ hỏa thiêu sau lễ tang và đến chia buồn với quả phụ tại nhà của Rommel, trong khi phần lớn các tướng lĩnh khác đều đến.

Việc bị Hitler bức tử bằng thuốc độc một lần nữa giúp Erwin Rommel trở thành cái tên được yêu mến nhất ở nước Đức. Những viên Tướng dưới quyền cũng như các nhà sử học đều dành cho Erwin Rommel những lời ca ngợi tốt đẹp nhất. Theodor Werner, từng là một sĩ quan phục vụ dưới quyền Rommel trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã nói: “Bất kỳ ai bị rơi vào sức thu hút mạnh mẽ của ông đều trở thành một người lính thực sự. Ông ta dường như biết được kẻ thù của mình ra sao và họ sẽ đánh trả lại như thế nào”.

Đại Nam

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc