Vị Thái sư 'công to tội lớn' bắt vua nhà Lý nhường ngôi rồi ép treo cổ chết là ai?

22:19, Thứ hai 15/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Sau khi ép một vua nhà Lý nhường ngôi cho con gái, vị thái sư này còn o ép khiến vua phải treo cổ chết.

Trần Thủ Độ - Thái sư quyền cao chức trọn, ép vua Lý Huệ Tông phải nhường ngôi rồi bức tử luôn quân thượng

Trần Thủ Độ sinh năm 1194 ở làng Lưu Xá phủ Long Hưng, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sử sách không ghi danh tính cha mẹ ông, chỉ biết Trần Thủ Độ mồ côi từ bé, phải lam lũ tìm kế sinh nhai nên ít được học hành.

Theo cuốn Trần Thủ Độ - Con người và sự nghiệp của Viện Sử học Việt Nam, Trần Thủ Độ gia nhập hương binh khi chưa đầy 20 tuổi. Năm 21 tuổi, ông được giao chỉ huy đội thủy binh dưới trướng của người anh họ Trần Tự Khánh - quan của triều Lý. 30 tuổi, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, toàn quyền nắm giữ quân đội trong ngoài thành.

thai-su4

Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ là một đại công thần, là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước những năm đầu thời kỳ nhà Trần. Trong suốt 40 năm (1226-1264), cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nghiệp đế của họ Trần, với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam từ đống tro tàn của triều Lý vào thế kỷ XIII.

Dưới thời vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224), giặc dã nổi lên như ong, nguy cơ cát cứ đang thành hiện thực. Trần Thủ Độ cùng nhiều danh tướng họ Trần xả thân dẹp loạn để thống nhất đất nước và được phong làm thái sư.

Năm 1224, Lý Huệ Tông Lý Sảm trong tình trạng cuồng loạn đã bị quyền thần Trần Thủ Độ bức phải nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng công chúa khi ấy mới 6 tuổi, để đi tu ở chùa Bút Tháp với pháp danh Huệ Quang đại sư. Huệ Tông làm hòa thượng được 2 năm, có lần ra đường dân chúng nhìn thấy tỏ vẻ thương cảm. Trần Thủ Độ sợ lòng dân còn tưởng nhớ đến nhà Lý bèn đưa cựu hoàng đến chùa Chân Giáo trong đại nội.

Một hôm, Thủ Độ đến chùa Chân Giáo gặp lúc sư Huệ Quang đang nhổ cỏ liền nói: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu". Đại sư biết ý liền thắt cổ tự vẫn sau đó ít lâu, hưởng dương 33 tuổi.

Thái sư Trần Thủ Độ mang danh bức tử vua Lý nhưng ông lại được sử gia, hậu thế đánh giá cao vai trò, trí tuệ, phò trợ sự hưng thịnh của nhà Trần.

Sau khi ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi, Trần Thủ Độ sắp xếp cho cháu trai Trần Cảnh lấy nữ vương Lý Chiêu Hoàng. Dưới sự điều phối của Trần Thủ Độ, năm 1225, Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Giang sơn Đại Việt từ đó về tay họ Trần với vị vua đầu tiên Trần Thái Tông.

"Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được người đời suy tôn. Trần Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua", sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong kháng chiến Nguyên - Mông lần thứ nhất, trước thế giặc rất mạnh, vua Trần Thái Tông đã hỏi ý kiến Trần Thủ Độ về việc đánh hay hàng. Trần Thủ Độ dõng dạc đáp lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Câu nói khảng khái, sự tự tôn dân tộc, ý chí quyêt tâm chống giặc giữ nước của Trần Thủ Độ được người đời ca tụng.

Trước đó Trần Thủ Độ đã dẫn quân dẹp yên các sứ quân của Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng đang cát cứ bên ngoài, không quy thuận triều Trần. Ông giúp vua sắp xếp quan lại, triều chính, bày cho việc đào kênh, đắp đê để trị thủy.

tran-thu-do

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Bấy giờ có kẻ vào gặp Trần Thái Tông khóc mà nói rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt người ấy đem theo và nói hết những lời này cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời Đúng như lời hắn nói, rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy". Là công thần hàng đầu trong việc lập quốc cho nhà Trần nhưng Trần Thủ Độ không tham ngôi vị. Khi được vua phong là Quốc thượng phụ, giao cho cai trị đất nước, Trần Thủ Độ đã đề xuất tôn cha của vua Trần Thái Tông là Trần Thừa lên làm thượng hoàng, giao quyền nhiếp chính, trông coi việc nước. "Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng, tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang (vua Trần Thái Tông)", sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại lời Trần Thủ Độ.

Theo Đại Việt sử ký, có lần, vua Trần Thái Tông đề xuất phong người anh của Trần Thủ Độ làm tể tướng. Ông trả lời: "An Quốc là anh thần, nếu cho giỏi hơn thần thì thần xin nghỉ việc. Nếu thần giỏi hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Anh em đều làm tể tướng, việc triều đình sẽ ra sao".

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, có lần vợ ông ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Bà về dinh khóc bảo Trần Thủ Độ rằng: "Ta làm vợ của ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Trần Thủ Độ tức giận, sai đi bắt, người quân hiệu ấy cứ thành thực trả lời. Nghe xong, Trần Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa, bèn lấy lụa thưởng rồi cho về".

Suốt 71 năm cuộc đời, Trần Thủ Độ đã tận lực phò trợ vua Trần gây dựng cơ nghiệp vững mạnh, được người đời ca tụng. GS Trần Quốc Vượng gọi ông là "nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam".

Năm 1264, Trần Thủ Độ chết, được truy tặng là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Vua Trần Thái Tông làm bài văn bia để tỏ lòng kính mến đặc biệt với ông.

Lăng mộ của Trần Thủ Độ được đặt ở quê nhà (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo