Vị vua này lên ngôi khi còn rất nhỏ tuổi và để lại trong sử sách nhiều tiếng thơm nhưng cuộc đời ông lại là một chuỗi những ngày buồn.
Đó là vua Lê Nhân Tông tên tục là Lê Bang Cơ. Ông là con thứ 3 của vua Lê Thái Tông và hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Vua Lê Nhân Tông sinh 9.6.1441, đến ngày 6.6.1442 được lập làm hoàng thái tử.Tháng 8 năm 14442 xảy ra vụ án Lê Chi Viên kinh thiên động địa, vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời khi mới 19 tuổi thì Lê Nhân Tông được các đại thần lập lên ngôi. Khi ấy, vua Lê Nhân Tông mới được 1 tuổi 6 tháng. Ông lên ngôi nhưng thực chất lúc đó do hoàng thái hậu Lê Thị Anh buông rèm nhiếp chính, quyết đoán việc nước.
Đến tháng 2 năm 1453, vua Lê Nhân Tông 12 tuổi mới bắt đầu đích thân coi chính sự. Ông đã đổi niên hiệu và đại xá. Lịch sử ca ngợi Đại Việt dưới thời vua Lê Nhân Tông. Đất nước ổn định, vua giảm sưu thuế, ban thưởng cho công thần, tiêu diệt thảo khấu, bình định ngoại bang…Vua Lê Nhân Tông cũng đã ân xá cho công thần từng có tội, cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Bởi thế vua Lê Nhân Tông được đời sau ca ngợi là vị minh quân nhân từ.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua tuổi còn ấu thơ đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại".
Chết trẻ trong cuộc huynh đệ tương tàn
Vua Lê Nhân Tông tuổi trẻ tài cao được ca ngợi nhưng năm 1459, Lê Nhân Tông bị anh cùng cha khác mẹ là Lê Nghi Dân sát hại để đoạt ngôi.
Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông với bà Dương Thị Bí. Lê Nghi Dân sinh năm 1439 và được lập hoàng thái từ năm 1440 nhưng mẹ ông vì được vua yêu quý mà kiêu căng. Do đó nhà vua đã giáng mẹ ông làm Minh nghi (hàng thấp của vợ vua). Bị giáng xuống nên bà Bí oán hận rồi tiếp tục bị giáng làm thứ nhân, con Lê Nghi Dân bị truất làm Lạng Sơn vương.
Khi Lê Nhân Tông lên ngôi khi mới 1 tuổi 6 tháng, ngôi vị thứ bậc của hoàng tộc kể như định đoạt xong. Sách Đại Việt thông sử có ghi, Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng.
Nào ngờ Lê Nghi Dân đã âm thầm tập hợp trăm thủ hạ thân tín, bắc thang trèo tường và lẻn vào giết chết nhà vua vào ngày 3.10.1459. Sau đó Lê Nghi Dân cũng sát hại Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và tự xưng là vua. Ngày 6.6.1460, các bậc đại thần khác là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Quý cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại đồng lòng giết Lê Nghi Dân và tay chân thân tín rồi đón Lê Tư Thành về, lập làm vua Lê Thánh Tông.
Như vậy, Lê Nghi Dân đã bị đại thần lật đổ sau chưa đầy 1 năm lên ngôi. Sử sách thường không coi ông là vị quân chủ chính thống nhà Hậu Lê. Trong giải thoại từng bàn về Lê Nghi Dân rằng Giết vua là mang trọng tội với nước, giết em ruột và giết người nói chung là mang tội ác không thể dung tha, dùng bọn gian xảo và xu nịnh là chà đạp lương tâm của bậc trung nghĩa, sống mà như vậy, độn thổ còn nhục, lẽ đâu lại dám cả gan ngồi lên ngai vàng?
Khi bị sát hại vua Lê Nhân Tông chỉ mới 18 tuổi để lại nhiều tiếc thương.