Theo đó, bộ kit do nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội xây dựng và phát triển thành công với tên gọi là SSSperm.
Kit được phát triển dựa trên các vật liệu có sẵn, phổ biến tại Việt Nam, gồm dung dịch ly giải, dung dịch biến tính, thạch agarose, cồn, thuốc nhuộm Giemsa, xốp cố định thạch khi rã đông và lam kính.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trưởng nhóm nghiên cứu, kit được chế tạo dựa trên phương pháp phân tán chất nhiễm sắc (SCD).
Phương pháp này hoạt động dựa trên nguyên tắc ADN tinh trùng không bị đứt gãy sẽ tạo ra những quầng sáng đặc trưng quanh lõi nhân tinh trùng, trong khi ADN tinh trùng bị đứt gãy không tạo được quầng sáng rất nhỏ khi xử lý biến tính trong môi trường axit.
So với bộ kit nhập khẩu, bộ kit này có thể giảm giá thành từ 3-4 lần so với hàng nhập ngoại, thời gian phân tích quy trình xét nghiệm chỉ còn 90 phút, trong khi trước đây phải mất tới 120 phút mới có thể đưa ra kết quả chẩn đoán. Ở quá trình thử nghiệm, bộ kit cho kết quả độ nhạy lên đến 96,91%, độ đặc hiệu là 97,10%, có chất lượng ngang với bộ kit ngoại nhập.
Đặc biệt, bộ kit sản xuất trong nước có thể sử dụng mẫu đông lạnh trong vòng 48h, không cần đến các chất bảo quản. Điều này giúp cho việc chẩn đoán được diễn ra nhanh và chính xác tương đương với kết quả thu được từ bộ kit nhập ngoại.
Phương pháp tán chất nhiễm sắc SCD là tiền để để chế tạo bộ kit chẩn đoán vô sinh nam. Cụ thể, phương pháp này dựa theo nguyên tắc ADN tinh trùng không bị đứt gãy tạo ra những quầng sáng đặc trưng quanh lõi nhân tinh trùng, nhưng với ADN tinh trùng bị đứt gãy sẽ không tạo được quầng sáng rất nhỏ khi xử lý biến tính trong môi trường axit.
PGS. Trang cho biết, việc xác định mức độ đứt gãy ADN sẽ cho độ chính xác trong việc chẩn đoán tỉ lệ vô sinh ở nam giới. Độ đứt gãy ADN có ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, khả năng có thai tự nhiên, khả năng thụ tinh trong ống nghiệm và khả năng phát triển phôi thai. Đối với bộ kit được chế tạo ở Việt Nam, kết quả sẽ được thể hiện trên phần mềm đánh giá bằng phương pháp học máy, kết hợp kính hiển vi có máy chụp ảnh, được nhóm nghiên cứu Đại học Y Hà Nội thiết kế và không cần qua trung gian.
Hiện nhóm nghiên cứu phối hợp với doanh nghiệp có khả năng sản xuất bộ kit trên quy mô công nghiệp (1.000 kit/mẻ). Dự kiến tháng 11 năm nay, kit sẽ được chuyển giao và ứng dụng tại các bệnh viện chuyên khoa, khoa xét nghiệm và các trung tâm hỗ trợ sinh sản có nhu cầu.