VN mở cửa đón nước lớn hợp tác dầu khí trên biển Đông

10:25, Thứ bảy 21/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (PhunuToday)- Rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Ấn Độ vẫn sẵn sàng đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí ở Việt Nam.

Tờ Tuổi Trẻ cho hay, hôm  20/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước đến Đan Mạch.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng nhận thấy, những năm qua hợp tác kinh tế giữa hai nước có những bước tiến đáng kể. 

“Đến với Việt Nam, các bạn không chỉ đến với thị trường của 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam có mức thu nhập và tiêu dùng ngày càng cao, mà còn có cơ hội tiếp cận thị trường của gần 620 triệu dân của các quốc gia ASEAN, và là cầu nối đến với các thị trường khác ở châu Á”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài nói chung trong đó có các nhà đầu tư Đan Mạch đầu tư vào lĩnh vực này.

Chủ tịch nước cũng nói các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã và đang được cổ phần hoá, các nhà đầu tư Đan Mạch có thể tham gia mua cổ phần và hoàn toàn không có trở ngại.

Trước đó, rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Ấn Độ cũng đã tỏ thái độ và khẳng định sẵn sàng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam. 

Gần đây nhất, trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 16/9, Anh đã khẳng định không lo ngại nhiều về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông và bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới thị trường dầu khí Việt Nam.

Ông Piers Craven, trưởng đại diện cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Anh (UKTI) tại Hà Nội, cho hay, ngành dầu khí của Việt Nam thời gian qua rõ ràng có tốc độ phát triển tốt. Vì vậy trong xu hướng này, các công ty của Anh hy vọng sẽ tìm kiếm các cơ hội làm ăn với các công ty của Việt Nam.

Tháng 7/2013, trong kỳ họp lần thứ 15  của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã khẳng định Ấn Độ có quyền tiếp tục thăm dò và khai thác dầu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Được biết, tổng vốn đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam vào khoảng 936 triệu USD thông qua 86 dự án trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hoá chất nông nghiệp, CNTT và chế biến nông nghiệp...

Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Cũng trong tháng 7 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức nước Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nối dài danh sách các nước Việt Nam cùng hợp tác để khai thác dầu khí trên Biển Đông. 

Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm này, doanh nghiệp hai nước đã ký kết một số thỏa thuận như: Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hoa Kỳ về hỗ trợ thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng ở Việt Nam, Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty Exxon Mobil, Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty dầu khí Murphy, Bản ghi nhớ giữa Công ty bảo hiểm Metropolitan Life (Metlife) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chấp thuận của Bộ Tài chính Việt Nam về chủ trương thành lập công ty quản lý quỹ của Công ty bảo hiểm ACE.

Vào năm 2012, khi Việt Nam hợp tác với Nga khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông, một số tờ báo của Trung Quốc đã đăng tải những lời lẽ phi lý, đặt những dòng tít như “Nga không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông” và cho rằng việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký hiệp định hợp tác khai thác dầu khí với Gazprom là cách Nga “phát tín hiệu một cách mơ hồ cũng như can thiệp vào vấn đề Biển Đông”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Công ty Công nghiệp Khí đốt của Nga (Gazprom), đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982.

Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam”.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: