Vo gạo có thể cho thêm chút muối
Muối là gia vị vô cùng quen thuộc, bất kỳ gia đình nào cũng có muối trong khu bếp của mình, muối có rất nhiều tác dụng như: nấu ăn, ngâm nước muối để rửa rau, rửa thịt…
Khi bạn vo gạo, bạn hãy cho vài hạt muối vào, khi làm thế thì cơm sẽ ngon và lâu bị thiu hơn. Nhất là những ngày nắng nóng, bạn chỉ cần cho muối vào là bảo quản cơm được mà không cần cho vào tủ lạnh. Bên cạnh đó, khi cơm nguội còn nhiều, bạn hâm nóng lên và cho ít nước muối vào, thì cơm nguội ăn cũng cảm thấy ngon hơn.
Lưu ý khi vo gạo:
Không nên vo gạo với nước quá nhiều lần, vì khi bạn rửa kĩ quá sẽ làm mất các dưỡng chất trong gạo.
Trong hạt gạo chứa nhiều vitamin B1. Nếu bạn vo gạo quá kỹ, gạo sẽ mất đi một lượng chất như glucid, vitamin B1, B2, B6, lipid, chất khoáng,... Vì thế, bạn chỉ cần lấy tay khoắng nhẹ khi vo gạo là được.
Nấu cơm nên dùng nước lạnh hay nước nóng?
Nấu cơm bằng nước lạnh là thói quen của đa số chúng ta. Khi dùng nước lạnh để nấu cơm hạt gạo sẽ dễ bị trương nở, khi đó các hợp chất dinh dưỡng bị tan ra trong nước.
Khi bạn nấu cơm bằng nước nóng, lớp bên ngoài của hạt gạo sẽ bị co lại, có lớp màng đó bảo vệ nên hạt gạo sẽ không bị nứt vỡ, chất dinh dưỡng vì thế mà giữ nguyên. Khi dùng nước nóng cũng giúp cơm chín nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian cho bạn. Hơn nữa cũng giúp tiết kiệm được điện năng cho gia đình.
Chính vì vậy, bạn hãy làm quen với việc nấu cơm bằng nước nóng thay vì nước lạnh để giúp cơm ngon, giữ được nhiều chất hơn nhé.
Những sai lầm khi nấu khiến cơm không được ngon
Không ngâm gạo trước khi nấu
Ngâm gạo với nước sẽ làm hạt gạo mềm hơn, chín đều hơn. Nên ngâm khoảng 15 đến 30 phút.
Vo gạo quá kỹ
Vitamin B1 có rất nhiều ở bên ngoài hạt gạo, nếu vo nhiều quá thì sẽ mất đi nhiều dưỡng chất của nó. Bạn nên vo qua 1-2 lần nước để hết bụi bẩn là được. Rất nhiều người vo nhiều 4-5 lần nước đến khi chỉ còn lại nước trắng trong, đó là điều không nên làm một chút nào.
Cho ít hoặc quá nhiều nước
Cho nước không chính xác, hợp lý sẽ làm cơm bị nhão, hoặc khô, không chín đều. Nên đổ lượng nước vừa đủ với từng loại gạo sẽ giúp cơm vừa dẻo vừa ngon. Khi mua gạo về bạn nấu thử trước, với 500g gạo bạn cho khoảng 600ml nước, sau đó thì điều chỉnh dần dần sao cho phù hợp.
Mở nắp nồi cơm thường xuyên
Mở nắp nhiều lần có thể làm giảm nhiệt độ và làm mất hơi nước cần thiết để gạo chín thành cơm. Bạn nên mở nắp khi cần kiểm tra hoặc khi cơm đã chín.