Song, các chuyên gia thể thao cho rằng, dù được thưởng lớn nhưng vẫn chưa tương xứng với thành tích và đóng góp của các VĐV.
Thưởng "khủng" thế nào?
Cách đây 2 năm, tại SEA Games 27, Ánh Viên và Thạch Kim Tuấn là hai VĐV được thưởng “khủng” nhất, trong đó Ánh Viên với 3 HCV, 2 kỷ lục SEA Games cũng mang về cho bố mẹ khoản tiền tương đương 300 triệu đồng.
Năm nay, thành tích của Ánh Viên vượt trội, theo quy định của Nhà nước, mỗi HCV được nhận 45 triệu, mỗi kỷ lục được thêm 15 triệu đồng. Như vậy, Ánh Viên nhận khoản tiền thưởng từ ngân sách theo quy định là hơn 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Ánh Viên sẽ nhận khoản thưởng “nóng” gần 40 triệu từ UnionPay. Nhưng khoản tiền thưởng “khó xử” nhất với Ánh Viên là… 7 chiếc xe máy mà nhà tài trợ - Tập đoàn Hòa Bình - treo thưởng cho mỗi chiếc HCV.
Cũng “khổ” vì nhiều xe máy, là Đinh Phương Thành, Hà Thanh của thể dục dụng cụ đều có 3 HCV. Dự kiến tiền thưởng cho mỗi cá nhân thể dục là 130 triệu đồng cùng ít nhất là… 2 xe máy. Thế nhưng hôm qua trao đổi với Lao Động, Hà Thanh nói: “Ngoài tiền thưởng nóng cho mỗi chiếc huy chương và các phần thưởng hiện vật của các nhà tài trợ đã hứa từ trước thì từ khi về nước, em vẫn chưa nhận thêm được bất cứ phần thưởng nào khác”. Hà Thanh nói thêm: “Em sẽ dùng số tiền thưởng để giúp gia đình xây dựng một ngôi nhà mới khang trang hơn. Bên cạnh đó, bản thân em đang hoàn thành chương trình đại học và em trai em sắp theo học đại học nên số tiền thưởng cũng sẽ được dùng để trang trải việc học hành của hai chị em”.
Theo dự tính, riêng tiền thưởng từ ngân sách trung ương cho các VĐV, HLV là khoảng 13 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng có chế độ thưởng riêng, trung bình khoảng 15 triệu đồng cho mỗi chiếc HCV. Tổng mức tiền thưởng cho thành tích thể thao Việt Nam ở SEA Games là khoảng 20 tỉ đồng.
Nhưng vẫn chưa tương xứng
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chế độ cho những VĐV, HLV đoạt huy chương các giải đấu quốc tế. Theo đó, HCV SEA Games sẽ nhận khoản tiền 15 triệu đồng. Năm 2006, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh, thưởng cho HCV SEA Games là 25 triệu. Năm 2011, căn cứ lộ trình tăng lương cơ bản, mức thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao đã vươn lên mức 45 triệu
đồng/HCV.
Thế nhưng, theo các chuyên gia thể thao, dù nhận được sự quan tâm của Nhà nước, nhưng mức thưởng hiện tại vẫn chưa tương xứng với công sức của các VĐV. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC 1 - cho rằng: “Hiện tại lương và tiền công tập luyện của đa số VĐV thấp, chỉ tương đương 3,5 - 4 triệu đồng, chỉ khi tập trung cho chiến dịch như SEA Games thì tiền công được tăng lên, nhưng chủ yếu là để tăng cường mức ăn cho VĐV. Bởi thế nhiều VĐV chỉ trông vào thành tích SEA Games để đổi đời. Trong khi đó SEA Games diễn ra 2 năm/ lần. Nếu được HCV, chia ra số tháng luyện tập là 24 tháng thì mức thưởng là quá thấp và nhìn chung là các VĐV vẫn sống trong khó khăn khi giải nghệ”.
Đối với một số VĐV đặc biệt, sẽ có những nhà tài trợ thưởng riêng. Chẳng hạn Ánh Viên được “hứa thưởng” 2 căn hộ chung cư, tổng trị giá 2,5 tỉ. Nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt, chưa kể có những doanh nghiệp hứa thưởng nhưng sau đó không thực hiện, hoặc dây dưa với lời hứa, như trường hợp lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Thiết ở Hải Dương được một doanh nghiệp hứa thưởng nhà nhưng phải chờ tới 3 năm, báo chí vào cuộc, Thiết mới có được nhà.
Nói về tiền thưởng cho VĐV thể thao khi đứng cạnh những phần thưởng gameshow đầy rẫy trên truyền hình mới thấy bất cập. Chẳng hạn hàng năm trời luyện tập, mất nhiều mồ hôi, nước mắt của VĐV cũng chỉ bằng 1/2 số tiền thưởng tuần gameshow Gương mặt thân quen (100 triệu đồng/tập), hay thấp hơn nhiều so với quán quân Giọng hát Việt (500 triệu đồng)…
Theo các chuyên gia thể thao, đồng hành với mục tiêu ASIAD và Olympic, cũng cần những chế độ thưởng cao hơn, tương xứng hơn để mỗi VĐV có thể “sống được” với những cố gắng của mình.
Xin đừng đưa Ánh Viên lên mây xanh! Xin đừng ca tụng Ánh Viên quá mức, xin đừng đưa em lên mây xanh bằng những ngôn từ quá chói sáng vì như thế con người dễ phát sinh tính tự mãn về những kết quả mình đạt được. |