Như tin đã đưa, theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường – Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, bị truy tố 2 tội danh là “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, có khung hình phạt tù từ 7 - 15 năm và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” với khung hình phạt từ 1 - 5 năm tù; Bị can Đào Quang Khánh – nhân viên bảo của Thẩm mỹ viện Cát Tường bị truy tố về tội danh “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và tội “Trộm cắp tài sản”.
Chân dung bị cáo Tường và Khánh tại phiên tòa xét xử |
Sau hai ngày xét xử căng thẳng, nhiều tình tiết bí ẩn của vụ án dần hé lộ. Đáng chú ý, lời khai giữa Nguyễn Mạnh Tường và các nhân viên có nhiều mâu thuẫn về việc phi tang xác của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Quá trình thẩm vấn, Nguyễn Mạnh Tường cho rằng, việc họp bàn phi tang xác, thu dọn hiện trường sau ca phẫu thuật thẩm mỹ thất bại của y là hoàn toàn không hay biết. Thế nhưng, Phó giám đốc Mai phản bác: “Tất cả việc đó đều do Tường ra lệnh, còn bản thân chỉ là người thực hiện”.
Vợ bác sĩ Tường xin lấy lại nửa tài sản chiếc ô tô bị tịch thu |
Trong lời khai của bị cáo Đào Quang Khánh, cuộc họp bí mật sau khi ca phẫu thuật trên tầng 2 có khoảng gần chục người. Họ họp về việc tạo hiện trường tai nạn giao thông giả cho chị Huyền. Do vậy, Khánh cùng hai người làm cùng tại Cát Tường là Công và Long đã mang xe đi thực hiện theo lời dặn "tạo ra vết xước" của Phó giám đốc Mai. Khánh kéo lê xe chừng 50m nhưng không xước vì có thanh chắn inox. Cũng theo bị cáo Khánh, trong cuộc họp có sự tham gia của Tường nhưng y lại phủ nhận việc tham dự.
Tại phần tranh luận của luật sư của các bị cáo, bị hại khiến phiên tòa xét xử nóng dần. Trong đó, luật sư Trưởng đề nghị HĐXX chuyển tội danh của Nguyễn Mạnh Tường sang tội “Giết người” khiến gia đình bị hại vỗ tay đồng tình.
Gia đình nạn nhân đồng tình khi nghe đề nghị truy tố Tường tội "giết người" |
Theo luật sư Trưởng: "Việc Tường áp dụng công thức đã dùng lên thân thể chị Huyền là chưa được áp dụng tại Việt Nam mà là y tự ý pha chế. Nhiều công văn khuyến cáo của Bộ Y tế về cảnh báo mức độ rủi ro khi pha chế các loại thuốc sử dụng cho bệnh nhân nhưng Tường bỏ qua. Khi ca phẫu thuật thất bại, chị Huyền đáng lẽ ra có nhiều cơ hội sống, nhưng Tường đã không hề thực hiện 1 động thái nào để cứu sống nạn nhân. Đây là hành vi coi thường tính mạng người khác - trực tiếp đẩy chị Huyền vào tình trạng nguy kịch (tiếp tục phẫu thuật khi nạn nhân co giật...)”.
Ngoài ra, luật sư Phạm Hương Giang bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân cho biết, số tiền gia đình đã bỏ ra trong quá trình tìm kiếm thi thể chị Huyền là 1 tỷ 387 triệu. Do đó, Luật sư đề nghị phong tỏa tài sản của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và tịch thu vĩnh viễn giấy phép hành nghề bác sĩ. Thế nhưng, bà Hằng – vợ của Tường lại yêu cầu xin lại nửa tài sản chiếc ô tô đang bị tịch thu.
Tường và Khánh gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân |
Trước giờ tòa tuyên án, hai bị cáo Tường và Khánh gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân trước mất mát quá lớn. Hai bị cáo hy vọng, HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để có thể sớm cải tạo trở về gia đình làm lại cuộc đời. Ngoài ra, bị cáo Khánh xin lỗi bố mẹ vì chưa báo hiếu được lại làm khổ bậc sinh thành.
Từ ngày con gây ra tội, mẹ Khánh luôn sống trong nước mắt |
Sau khi xem xét, HĐXX căn cứ vào hành vi sai phạm của các bị cáo quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hình phạt là 19 năm tù.
Bị cáo Đào Quang Khánh bị phạt 24 tháng tù tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” , 9 tháng tù tội "Trộm cắp tài sản". Tổng cộng 33 tháng.
Vụ Cát Tường: Tường bị đề nghị mức án cao nhất 19 năm tù Bị thẩm vấn tại tòa, bị cáo Tường liên tục điệp khúc “không biết, không chỉ đạo” khiến nhân viên cũ bức xúc ra mặt. |