Vượt ra khỏi tranh giành hậu cung nghiệt ngã thường thấy, vị hoàng hậu này lại yêu con ghẻ như con ruột

07:44, Thứ sáu 06/09/2024

( PHUNUTODAY ) - Chuyện về lòng nhân từ đức độ của bà đã được tài liệu sử sách ghi lại khiến người đời sau phải ngưỡng mộ học hỏi.

Người phụ nữ được kể đến ở đây là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu. Bà là hoàng hậu của vua  Trần Anh Tông (1293-1314). Bà không rõ năm sinh nhưng mất năm Canh Ngọ 1330. Bà là con gái của Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, tức cháu nội của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Thời Trần kết hôn cận huyết nên vừa là vợ của vua Trần Anh Tông, bà cũng lại là em con chú, con bác với vua Trần Anh Tông. Bà sinh năm nào không có tài liệu ghi rõ, chỉ biết mất vào tháng 7 năm Canh Ngọ (1330). Sinh thời bà là người được ca ngợi là đức độ nhân từ. Các quan trong triều đến bá tánh thiên hạ đều kính trọng đức độ của bà. 

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về bà như sau: Thái hậu là người rất nhân từ. Các con của vua Trần Anh Tông, dù là do vợ thứ sinh ra, bà cũng rất yêu thương, chăm sóc như con mình. Công chúa Huệ Chân được vua Trần Anh Tông yêu quý, thái hậu cũng rất yêu nàng. Công chúa Thiên Chân là con đẻ của thái hậu, nhưng khi được ban thức gì thì bà cho Huệ Chân ăn trước, sau mới đến Thiên Chân. Khi vua Trần Anh Tông mất, thái hậu càng chăm sóc Huệ Chân hơn trước".

Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu nhân đức khiến quần thần và bá tánh kính nể. Ảnh minh họa

Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu nhân đức khiến quần thần và bá tánh kính nể. Ảnh minh họa

Không chỉ không phân biệt con thứ của vua mà bà còn rất thịnh tình với phi tần, cung nữ. Nữ quan trong cung là Vương Thị (mẹ đẻ của Huệ Chân) do được vua Trần Anh Tông yêu mà có thai, thái hậu đã lấy cả Song Hương Đường (phòng ngủ của chính thái hậu) cho làm nơi sinh nở nhưng Vương Thị sinh xong thì mất. Chuyện xảy ra và bà bị cung nhân ngầm tấu với vua Trần Anh Tông là bà mưu đồ giết Vương Thị. Nhưng vua tin hoàng hậu nhân từ nên đã nổi giận sai người lấy roi đánh cung nhân. Dù biết mình bị hại nhưng Thuận Thánh Bảo Từ cũng không để bụng. 

Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330), Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu mất tại am Mộc Cảo (nay là vùng Yên Sinh, Hưng Yên). Năm Nhâm Thân, vua Trần Minh Tông khi lên làm Thái Thượng hoàng đã cho  phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng thái hậu vào Thái Lăng (tức lăng của vua cha là Trần Anh Tông).

Về việc này, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có ghi lại vắn tắt như sau:

Trước đó, thượng hoàng sai các quan trong triều chọn ngày lành tháng tốt để an táng linh cữu của Thuận Thánh Bảo Từ. Khi ấy, trong dòng tộc cũng như trong triều đình có người bác đi và nói rằng:

- Chôn năm nay tất hại đến người chủ tế.

Thượng hoàng Trần Minh Tông hay tin và cho người sai hỏi lại người đó rằng:

- Ngươi biết là sang năm ta nhất định chết à?

Người đó trả lời không biết. Ngay lúc đó thượng hoàng Trần Minh Tông liền nói:

- Nếu sang năm mà ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu sớm chẳng hơn là chết rồi mà vẫn chưa lo được việc đó ư. Lễ cát hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc chứ đâu phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương. 

Chuyện về Thuận Thánh Bảo Từ hoàng hậu đã khiến nhiều người xúc động, bởi người ta vẫn nói chốn hậu cung nghiệt ngã, phi tần tranh giành nhau, nói gì có thể "bánh đúc có xương". Thế nhưng Thuận Thành Thánh Bảo từ hoàng hậu đã khiến người ta xúc động về sự nhân từ. Có lẽ cũng vì thế mà bà có người con Trần Minh Tông đã chọn việc trước khi xem ngày, đã nhất định lo việc cho thân mẫu trước mà không sợ họa phúc âm dương như can gián. 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên