Ngày 22/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Chikungunya gây ra. Trong giai đoạn này, các quốc gia cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại một cuộc họp báo của Liên hợp quốc tại Geneva, bà Diana Rojas Alvarez, đại diện WHO, cho biết bệnh do virus Chikungunya gây ra không phải là căn bệnh được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh này đã lưu hành tại 119 quốc gia trên thế giới và làm 5,6 tỷ người đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.
Cũng theo thông tin từ bà Diana Rojas Alvarez, virus Chikungunya do muỗi truyền. Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp nghiêm trọng. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc gây ra các di chứng lâu dài đối với 40% người mắc bệnh.

Trên thực tế, thế giới đã chứng kiến một đợt bùng phát của virus Chikungunya trong giai đoạn 2004-2005. Bà Rojas cho biết diễn biến hiện nay đang lặp lại những gì chúng ta từng chứng kiến vào thời điểm đó và cần phải có hành động ngay đẻ ngăn lịch sử tái diễn.
Từ đầu năm nay, các đợt bùng phát virus Chikungunya đã xảy ra ở các đảo đảo châu Phi trên Ấn Độ Dương, bao gồm La Reunion, Mayotte và Mauritius. Sau đó, virus đã lây lan ra các quốc gia như Madagascar, Somalia và Kenya. Trong khi đó, Bangladesh và Sri Lanka cũng ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc virus Chikungunya. Các nước châu Âu cũng phát hiện các ca bệnh nhập cảnh, bao gồm cả tình trạng lây truyền trong cộng đồng tại Pháp và các ca nghi ngờ nhiễm bệnh tại Italy.
Hiện nay, các nước châu Âu như Pháp và các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đều đã ghi nhận người nhiễm virus Chikungunya. Đặc biệt, đã có hơn 1.800 ca mắc bệnh sốt Chikungunya được ghi nhận tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Bà Diana Rojas Alvarez nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc tăng cường giám sát, kiểm soát muỗi truyền bệnh - muỗi vằn (Aedes) - ở các quốc gia có sự hiện diện của loại muỗi này. Số ca bệnh có xu hướng giảm do mùa động đến với khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, bà Rojas cho rằng việc phát hiện sớm, phản ứng kịp thời là chìa khóa quan trọng để hạn chế việc gia tăng số cá nhiễm bệnh cũng như ngăn chặn các gánh nặng lâu dài liên quan đến sức khỏe, kinh tế.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đang cử các chuyên gia, đào tạo nhân viên y tế, hỗ trợ các biện pháp kiểm soát véc-tơ truyền bệnh để hỗ trợ các quốc gia trong việc phòng chống virus Chikungunya. Đại diện của WHO cho biết, Chikungunya có thể nhanh chóng gây ra các đợt dịch lớn với những khu vực người dân có ít hoặc không có miễn dịch với loại virus này. Nó có thể tác động đến 3/4 dân số.
Dịch sốt Chikungunya là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh do virus Chikungunya gây ra. Các triệu chứng chính là sốt, phát ban, đau khớp. Hiện nay, thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus Chikungunya. Biện pháp bảo vệ tốt nhất là phòng tránh muỗi đốt.